Từ lâu, phần lớn các nhà thiên văn học cho rằng vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất - thiên thể lâu đời mang tên Mặt Trăng - chỉ còn là một khối đá tĩnh lặng.
Bằng chứng từ các khu vực "biển Mặt Trăng" - tên gọi lầm lẫn lâu đời dành cho các lưu vực núi lửa tối, phẳng chứa đầy dung nham đông đặc - cho thấy thiên thể này đã từng bị nén đáng kể trong quá khứ xa xôi.
Trong đó, các gờ lớn, cong ở phía gần của Mặt Trăng, tức mặt mà người Trái Đất nhìn thấy được, đã hình thành do sự co lại xảy ra hàng tỉ năm trước.
Điều này dẫn đến lập luận rằng Mặt Trăng đã ngưng hoạt động địa chất từ lâu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới tiết lộ rằng những gì nằm bên dưới bề mặt Mặt Trăng có thể năng động hơn những gì chúng ta từng nghĩ trước đây, theo Sci-News.
Nhóm nghiên cứu dẫn dầu bởi TS Jaclyn Clark từ Đại học Maryland đã phát hiện 266 rặng núi chưa từng được biết đến trước đây ở mặt xa của Mặt Trăng.
Thú vị hơn, chúng trẻ hơn đáng kể so với các rặng núi đã được nghiên cứu trước đây ở mặt gần.
Như vậy, niềm tin rằng Mặt Trăng đã trở nên tĩnh lặng từ 2,5-3 tỉ năm trước có thể đã "lạc lối".
"Chúng tôi thấy rằng các dạng địa hình kiến tạo này đã hoạt động trong 1 tỉ năm trở lại đây và có thể vẫn hoạt động cho đến ngày nay” - TS Clark tuyên bố.
Những rặng núi nhỏ này có vẻ như đã hình thành trong vòng 200 triệu năm trở lại đây, là khoảng thời gian "tương đối gần" về mặt địa chất, khi đối chiếu các đường gờ do chúng tạo thành với các đặc điểm địa hình khác xung quanh.
Điều này phản ánh qua việc rất ít hố va chạm tồn tại ở các khu vực "trẻ" này, bởi chúng tồn tại chưa đủ lâu để bị lỗ chỗ quá nhiều do các vụ bắn phá từ vũ trụ.
Các tác giả cũng lưu ý rằng các rặng núi ở phía xa có cấu trúc tương tự như các rặng núi ở phía gần của Mặt Trăng, cho thấy cả hai đều được tạo ra bởi cùng một lực, có thể là sự kết hợp giữa quá trình Mặt Trăng dần co lại và sự dịch chuyển của quỹ đạo Mặt Trăng.
“Chúng tôi hy vọng các sứ mệnh tương lai tới Mặt Trăng sẽ bao gồm công cụ như radar xuyên đất để các nhà nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn về các cấu trúc bên dưới bề mặt Mặt Trăng” - TS Clark nói.
Theo ông, việc biết rằng Mặt Trăng vẫn có hoạt động địa chất mạnh mẽ trong thời gian gần và có thể vẫn còn hoạt động có ý nghĩa lớn đối với các kế hoạch thám hiểm thiên thể này trong tương lai.
Vẫn còn quá sớm để kết luận việc Mặt Trăng vẫn có thể đang hoạt động địa chất có thể đem lại điều gì.
Tuy nhiên ở Trái Đất, hoạt động địa chất là một trong những yếu tố cần thiết để ổn định môi trường hành tinh, giúp sự sống được sinh ra và tồn tại dài lâu. Vì vậy, các nhà khoa học luôn mong đợi tìm thấy bằng chứng về hoạt động địa chất ở các thiên thể khác.
Bình luận (0)