Một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực điện toán với sự xuất hiện của những cỗ máy có hiệu suất tối thiểu nhanh gấp 1000 lần so với thế hệ siêu máy tính mạnh nhất hiện nay đang đến gần.
Các nhà khoa học máy tính ở châu Âu đã tiến hành đo hiệu năng FLOPS (lượng phép toán xử lý trong một giây) của một siêu máy tính mới. Và điều đáng kinh ngạc là siêu máy tính này có hiệu suất xấp xỉ với 50 triệu chiếc máy tính xách tay thông thường. Đó là lý do exaFOLP được dùng làm tên gọi để chỉ thế hệ siêu máy tính mới này bởi “exa” có nghĩa là tỷ tỷ.
Giáo sư Dimitrios Nikolopoulos đang giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Belfast của Nữ hoàng Anh khẳng định “Siêu máy tính này là cột mốc tiếp theo của điện toán hiệu năng cao”.
Theo giáo sư Dimitrios Nikolopoulos, hiện nay, những siêu máy tính nhanh nhất chỉ mới hoạt động ở cấp độ petaFLOP, nghĩa là chúng có thể thực hiện mấy triệu tỷ phép tính trên mỗi giây. Chiếc máy tính đầu tiên phá vỡ được ngưỡng petaFLOP là siêu máy tính Roadrunner của IBM trong năm 2008. Nhưng Roadrunner không giữ được danh hiệu siêu máy tính nhanh nhất thế giới được lâu. Vào năm 2009, siêu máy tính Cray Jaguar được lắp đặt tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (Mỹ) đã giành lấy vị trí số một này với hiệu suất 1,75 petaFLOP. Còn tại thời điểm này, theo TOP500, siêu máy tính K Computer của Nhật Bản do Fujitsu phát triển đang giữ ngôi vị cao nhất.
K Computer được lắp đặt tại Viện Khoa học Tính toán (AICS) RIKEN tại Kobe (Nhật Bản). K Computer chạy với hiệu năng trên 10 petaFLOPS. Tốc dộ này nhanh gấp 3 lần so với đối thủ Trung Quốc mạnh nhất của nó là NUDT YH MPP (hiệu năng 2,57 petaFLOPS). K Computer sử dụng tới 88.128 bộ vi xử lý máy tính và có tới 864 giá đỡ.
Về mặt cấu tạo, siêu máy tính exaFLOPS thế hệ mới sẽ không có bất kỳ cải tiến nào lớn hơn, thậm chí kích cỡ máy có thể bị thu nhỏ. Tuy nhiên, số lượng bộ vi xử lý của máy sẽ được tăng lên đáng kể từ 1 triệu đến 100 triệu.
Cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Nga đều đã đổ hàng triệu USD vào nghiên cứu siêu máy tính. Hồi tháng 2, EU tuyên bố đã tăng gấp đôi khoản đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu này lên 1,6 tỷ USD.
Bình luận (0)