Ông Trịnh Văn Đệ - Chủ tịch UBND xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên - cho biết đã ký văn bản yêu cầu 10 homestay trái phép trên núi Cấm phải dừng hoạt động kinh doanh lưu trú trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan chức năng có thẩm quyền. "Đến nay, thời gian để các điểm kinh doanh hoạt động homestay phải hoàn trả hiện trạng ban đầu đã hết. Chúng tôi phải yêu cầu dừng hoạt động" - ông Đệ cho biết.
Lao động mất việc
Nhận được văn bản của địa phương, chủ các homestay đều bất ngờ và lúng túng khi buộc phải cho các lao động làm thuê tại đây nghỉ việc. Cùng với đó, lịch thuê phòng của khách đã đặt từ trước, các chủ homestay hiện vẫn không biết giải quyết thế nào. "Khách đặt chỗ cách nay hơn một tháng, nếu bây giờ tôi trả lời "homestay tại núi Cấm bị ngưng hoạt động" thì sẽ ảnh hưởng đến du lịch tại núi Cấm ngay" - chủ một homestay chia sẻ.
Để có view đẹp, chủ các homestay trên núi Cấm từng phải đầu tư rất nhiều kinh phí trước khi được yêu cầu giữ nguyên hiện trạng rồi bị cấm hoạt động
Thực tế cho thấy sau đại dịch COVID-19, nhiều điểm kinh doanh theo mô hình homestay trên núi Cấm hoạt động khá hiệu quả, thu hút một lượng lớn du khách là những người trẻ ở lại trên núi. Đại diện homestay Phú Sĩ cho hay 10 homestay đủ sức phục vụ hơn 1.000 khách mỗi tuần. Vì vậy, 10 homestay bị ngưng hoạt động thì có hơn 4.000 du khách không thể ở lại trên núi Cấm mỗi tháng. "Chúng tôi đã rất khó khăn sau đại dịch, phải nỗ lực rất nhiều để quảng bá hình ảnh du lịch núi Cấm và tìm cách tồn tại. Thà ngay từ đầu địa phương cấm chúng tôi hoạt động homestay, để chúng tôi không đầu tư vào đây" - đại diện homestay Phú Sĩ nói.
Chủ homestay "Nhà của Mây" tiếp lời: "Không phải mình nói nhờ các homestay mà du lịch tại An Giang phát triển nhưng các homestay đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển vượt bậc cho du lịch An Giang trong 2 năm qua. Hiện mỗi ngày, tin nhắn hỏi đặt phòng liên tục, đặc biệt là đặt phòng dịp cận Tết, thế nhưng bên tôi không dám nhận và cũng không dám hẹn với khách khi nào đặt lịch được".
Homestay là một trong những điểm nhấn thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm tại núi Cấm
Đại diện nhóm các chủ homestay núi Cấm bày tỏ: "Chúng tôi cần câu trả lời, tại sao lại cấm homestay trên núi Cấm, tại sao không hướng dẫn chúng tôi cách làm phù hợp? Tại sao Đà Lạt có cả ngàn homestay vẫn được hoạt động bình thường, được mở lối để du lịch Đà Lạt phát triển và người dân địa phương nơi đó có điều kiện phát triển kinh tế. Còn An Giang tại sao không?".
Một chủ homestay khác than thở: "Chúng tôi phát triển chung du lịch núi Cấm và cũng tạo thêm nguồn kinh tế cho các anh xe ôm, cô chú bán quán và khoảng 50 lao động tại các homestay có việc làm sau đại dịch COVID-19. Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho người dân nơi đây cùng nhau phát triển. Riêng tôi, nếu homestay bị cấm, chắc chắn tôi phải vỡ nợ, vì tôi đã vay và đổ vốn vào đây quá nhiều".
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, cho hay homestay trên núi Cấm bị dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến du lịch An Giang. "Loại hình homestay mới hoạt động gần đây trên núi Cấm đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh du lịch An Giang. Do đó, theo tôi, các sở, ngành liên quan và địa phương cần tìm một giải pháp phù hợp để thúc đẩy loại hình này tồn tại, phát triển. Điều này có ý nghĩa quan trọng để phát triển du lịch núi Cấm nói riêng và du lịch An Giang nói chung" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Không hướng dẫn mà chỉ cấm?
Các homestay trên núi Cấm bắt đầu hình thành từ năm 2019, song đến nay mới chỉ có 12 nơi tự giới thiệu là homestay và hoạt động đón khách. Nói là "tự giới thiệu" vì loại hình homestay chưa được cấp phép kinh doanh trên núi Cấm, dù các chủ homestay tại đây rất muốn được hướng dẫn để hoạt động hợp pháp. Trước tình hình đó, tháng 10-2022, một phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã có buổi làm việc với thị xã Tịnh Biên và các sở, ngành liên quan về tình hình quản lý, định hướng phát triển núi Cấm, xây dựng loại hình lưu trú homestay trên địa bàn núi Cấm. Theo đó, lãnh đạo này chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cùng các sở, ngành liên quan và UBND thị xã Tịnh Biên khẩn trương nghiên cứu dự thảo nghị quyết, chuyên đề về quản lý và phát triển toàn diện núi Cấm; xác định chủ trương, quan điểm, mục tiêu cho nhiều vấn đề; trong đó có các vấn đề về quản lý đất đai, xây dựng, nhà ở, dân cư, giao thông, môi trường, tôn giáo và định hướng phát triển du lịch; giao UBND thị xã Tịnh Biên quản lý, yêu cầu các chủ homestay giữ nguyên hiện trạng, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phát sinh xây cất mới không bảo đảm quy định".
Tuân thủ quy định địa phương, các chủ homestay tại núi Cấm khẳng định: "Sau khi đoàn kiểm tra của tỉnh yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, các homestay chúng tôi đều không dám xây cất, toàn bộ được giữ nguyên và hoạt động bình thường gần một năm nay. Vậy tại sao đến nay lại cấm chúng tôi hoạt động mà không đưa ra hướng dẫn gì?".
Một chủ homestay khác lại thắc mắc: "Từ sau khi có kết luận của phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang vào tháng 10-2022 đến nay, thời gian cũng khá lâu, nhưng chúng tôi vẫn chưa được hướng dẫn phải làm gì, chỉ biết giữ nguyên hiện trạng và hoạt động; cũng không cơ quan nào nhắc nhở, hay đưa ra hướng giải quyết. Chúng tôi chỉ biết phải dừng hoạt động một cách đột ngột từ ngày 11-9 vừa qua".
Chờ báo cáo để xử lý
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cho biết: "Hôm trước, UBND tỉnh An Giang, lãnh đạo thị xã Tịnh Biên, Sở Kế hoạch và Đầu tư có họp về vấn đề homestay trên núi Cấm. Hiện nay, chúng tôi đang chờ báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư để từ đó tham mưu cho UBND tỉnh An Giang xử lý vấn đề này".
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)