xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trúng mùa được giá, nông dân phấn khởi

VĨNH KỲ - VÂN DU - CA LINH

Xuất khẩu gạo đang thuận lợi, tạo đà cho giá lúa đông xuân tại ĐBSCL tăng. Trong khi đó, một số loại thủy sản cũng đang được thương lái thu mua với giá cao

Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong vụ đông xuân 2022-2023, ĐBSCL gieo sạ 1,5 triệu ha lúa, năng suất ước tính 7,1 tấn/ha. Tại An Giang và Đồng Tháp, nông dân chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch vụ đông xuân.

Các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng

Nông dân Nguyễn Công Lý (ngụ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho hay giá lúa tại ĐBSCL hiện tăng mạnh và đây là thời điểm có giá tăng cao nhất trong năm. Theo đó, lúa IR 50404 thu mua tại ruộng với giá 6.100-6.300 đồng; OM 5451, Đài thơm 8… từ 6.500 -6.600 đồng/kg - tăng khoảng 500 đồng so với cách đây 2 tháng.

Trúng mùa được giá, nông dân phấn khởi - Ảnh 1.

Sản phẩm gạo Việt Nam lên kệ tại 2 hệ thống đại siêu thị ở châu Âu và Pháp từ tháng 9-2022.Ảnh: VĨNH KỲ

"Tôi canh tác 10 ha lúa OM 5451 với năng suất hơn 7 tấn/ha, còn nửa tháng mới thu hoạch nhưng thương lái đã gọi điện đặt cọc với giá 6.600 đồng/kg. Lúa trúng mùa được giá thì năm nay hy vọng có cái Tết ấm no" - ông Lý hồ hởi.

Xuất - nhập khẩu hàng hóa vẫn là điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội của An Giang 10 tháng đầu năm 2022. Các mặt hàng chủ lực như: gạo, thủy sản, rau quả, may mặc… tăng trưởng khá về sản lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.125,56 triệu USD - tăng 12,02% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt 956,23 triệu USD - tăng 11,21%.

Trúng mùa được giá, nông dân phấn khởi - Ảnh 2.

Người nuôi cá kèo ở ĐBSCL đang hy vọng đón cái Tết sung túc.Ảnh: VÂN DU

Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết gạo là mặt hàng tiếp tục có những đóng góp đáng kể - tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm nay ước đạt 259,13 triệu USD - tăng 12,31% về sản lượng và 12,50% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn tỉnh hiện có 41 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo. Trong đó, 18 DN có trụ sở chính ở An Giang với tổng công suất xát trắng, lau bóng hơn 400.000 tấn lúa, 500.000 tấn gạo/giờ; 23 DN sở hữu hoặc thuê kho chứa, nhà máy trên địa bàn tỉnh với tổng năng lực kho chứa 256.500 tấn lúa và 112.340 tấn gạo, công suất xay xát bóc vỏ 290 tấn/giờ.

Ngoài ra, An Giang còn có 2 DN ở tỉnh và 4 DN có cơ sở xay xát, kho chứa trên địa bàn đạt chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Việc xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2022 của các DN An Giang đến các thị trường Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ghana, Úc, Bangladesh, châu Âu... đều khá ổn định.

Hy vọng cái Tết đủ đầy

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, tuần qua, địa phương thả nuôi 1,3 triệu tôm sú giống trên diện tích 55 ha, 19,1 triệu tôm thẻ chân trắng giống trên diện tích 19 ha và 130.000 cua biển. Tuy nhiệt độ ngày - đêm chênh lệch đã tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh, gây thiệt hại lớn diện tích nuôi nhưng giá tôm sú, tôm thẻ đang tăng.

"Giá tôm sú đang ở mức 190.000 đồng/kg loại 30 con/kg, tôm thẻ 120.000 đồng/kg loại 50 con/kg - tăng 2.000-5.000 đồng/kg so với tuần trước. Tôi đang thả 2 ao nuôi tôm thẻ, sẽ thu hoạch bán trước Tết. Hy vọng từ nay tới đó giá còn tăng lên để có một cái Tết sung túc" - ông Lê Văn Năm (ngụ xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) bày tỏ.

Tại Cà Mau, giá tôm sú, tôm thẻ cỡ lớn (loại từ 20 con/kg trở xuống) tăng 10.000 - 30.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại 30 con/kg có giá 169.000 đồng/kg, loại 25 con/kg giá 215.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg có giá 165.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 200.000 đồng/kg, loại 20 con/kg giá 250.000 đồng/kg…

Bên cạnh đó, giá cá kèo thương phẩm cũng liên tục tăng, mang lại niềm vui cho người nuôi. Chị Nguyễn Kiều Tiên (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho hay đã có hơn 5 năm gắn bó với nghề nuôi cá kèo. Thời điểm này năm trước, cá kèo chỉ có giá khoảng 60.000 đồng, còn hiện nay thương lái đến tận ao thu mua với giá 105.000 đồng/kg.

"Vụ nuôi này tôi thu hoạch trúng mùa và bán cá được giá, sau khi trừ hết chi phí thì lãi cũng được gần 200 triệu đồng. Hiện tôi còn một ao cá kèo, dự kiến vào khoảng tháng 12 âm lịch sẽ bắt đầu thu hoạch" - chị Tiên phấn khởi.

Theo lý giải của nhiều lão nông, giá tôm và cá kèo tăng là do thu mua trong dân ít, tình hình xuất khẩu khả quan và đạt được nhiều kết quả ấn tượng thời gian qua. "Từ nay đến cuối năm, giá tôm và cá kèo có thể sẽ còn tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu thị trường vào dịp Tết rất cao. Cứ giá như thế này, người nuôi sẽ có cái Tết đủ đầy" - một thương lái tại Cà Mau nhận định.

Tiếp cận thị trường khó tính

Việc Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) đưa được sản phẩm mang thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" sang thị trường châu Âu, lên kệ tại 2 hệ thống đại siêu thị ở châu Âu và Pháp đầu tháng 9-2022 là một trong những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu gạo của nước ta.

Theo đại diện Tập đoàn Lộc Trời, việc này đã giúp DN có nhiều đơn hàng liên tiếp. Tính đến tháng 10-2022, Lộc Trời đã xuất được 400.000 tấn gạo sang thị trường khó tính nêu trên. Đây là cơ sở vững chắc để tập đoàn đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất lớn, tổ chức các vùng trồng theo yêu cầu của từng thị trường.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Trúng mùa được giá, nông dân phấn khởi - Ảnh 4.
Trúng mùa được giá, nông dân phấn khởi - Ảnh 5.
Trúng mùa được giá, nông dân phấn khởi - Ảnh 6.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo