Ngay những ngày đầu năm mới 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về dự, chủ trì hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Trà Vinh. Là tỉnh "mặt tiền biển Đông" của ĐBSCL, Trà Vinh được Thủ tướng kỳ vọng làm nên một "kỳ tích sông Tiền, sông Hậu", tạo ra một trung tâm giao thương mới của miền Nam và cả nước trong tương lai.
Phải tạo môi trường hấp dẫn
Tất nhiên, giữa kỳ vọng và hiện thực không chỉ là khoảng cách địa lý với chiều dài của không gian và khoảng tính của thời gian dễ dàng đi đến. Nó cần sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm chính trị và cách thức giải các bài toán kinh tế đầu tư phát triển một cách hiệu quả. Yêu cầu đầu tiên luôn là tiền đâu để đầu tư?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm của Trà Vinh Ảnh: QUANG TUYẾN
Vấn đề then chốt đối với Trà Vinh là phải tạo ra một môi trường hấp dẫn, an toàn, trở thành điểm đến lý tưởng để thu hút được nhiều nhà đầu tư có thực lực gắn bó lâu dài.
Xét về quy mô kinh tế, nguồn thu ngân sách, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tổng hợp thì Trà Vinh trong nhiều năm liền là 1 trong 3 tỉnh nghèo của vùng ĐBSCL. Những năm gần đây, tỉnh này nổi lên thành một điểm sáng tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Số liệu thống kê tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh năm 2019 đạt gần 15%, nằm trong tốp đầu của cả nước. Trà Vinh là 1 trong 2 tỉnh của ĐBSCL được đầu tư phát triển Khu Kinh tế biển Định An.
Từ một tỉnh khuất nẻo về đường bộ, lệ thuộc tuyến xương sống Quốc lộ 1 nằm sâu trong trục trung tâm hướng Bắc - Nam của ĐBSCL, thiếu các tuyến kết nối về Trà Vinh thì mấy năm gần đây, các công trình giao thông dọc tuyến ven biển Đông như Quốc lộ 60 hoàn thành rút ngắn được 10 km từ TP HCM về Trà Vinh, Quốc lộ 53 nối Quốc lộ 1 từ Vĩnh Long về Trà Vinh sau 10 năm chờ đợi được khởi công, nâng cấp... đã, đang và sẽ tạo ra thế phát triển mới cho Trà Vinh.
Điều kiện tự nhiên của Trà Vinh vừa có sinh thái nước ngọt, nước lợ lẫn nước mặn. Tỉnh này không chỉ nằm ven sông lớn mà còn là một tỉnh duyên hải, tựa lưng vào đồng bằng, nhìn ra biển Đông. Kết quả đầu tư phát triển qua gần 30 năm tái lập tỉnh, đặc biệt là 10 năm gần đây, đã tạo cho Trà Vinh một vị thế mới. Với điều kiện mới, đặc biệt là kinh tế biển, hệ thống cảng biển, cảng sông, dịch vụ hậu cần logistics tiên tiến, ngành công nghiệp tiềm năng kết hợp với nông nghiệp, thủy sản.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trà Vinh có thể trở thành một trung tâm giao thương mới của miền Nam và cả nước, là một trung tâm chế biến thủy hải sản, một nền nông nghiệp công nghệ cao có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, một triết lý phát triển hiển nhiên là "muốn đi xa, không thể đi một mình". Trà Vinh rất cần kết nối với các tỉnh trong vùng và TP HCM, cần sự quan tâm đầu tư đúng mức của trung ương cho vị thế, tiềm năng và nhu cầu thực sự của tỉnh này mới mong tạo ra sự bứt phá thực sự chứ không chỉ là kỳ vọng.
Yêu cầu bức xúc trước mắt là hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ. Công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 10 năm bất động nay sống lại là một minh chứng về quyết tâm và hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng. Nó cần cho việc đầu tư Quốc lộ 53 mới vừa được khởi công, cầu Đại Ngãi nối trục đường ven biển đứng im nhiều năm sau khởi công và không ít công trình khác ở miền Tây sắp tới. Không thể để tình trạng các điểm nghẽn giao thông không mất đi mà chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, cản trợ sự phát triển của ĐBSCL.
Cần tư duy đột phá
Việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào Trà Vinh là cần nhưng không chỉ từng tỉnh của ĐBSCL cứ "mạnh ai nấy làm", sẽ dễ dẫn đến tình trạng vượt rào cạnh tranh ưu đãi đầu tư, xuất hiện những cam kết đầu tư được chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Trà Vinh có tiềm năng to lớn phát triển kinh tế biển nhưng cũng đứng trước những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Biến những thách thức này thành cơ hội phát triển luôn là bài toán khó. Qua đó, cần xem lại quy hoạch các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chế biến thủy sản, kết nối các chuỗi giá trị, tạo dựng những thương hiệu gắn với địa phương và vùng ĐBSCL.
Chính quyền địa phương, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là những nông dân muốn thực sự giàu có trên quê hương mình, cần có tư duy đột phá, không ngừng đổi mới sáng tạo. Yếu tố nhân hòa, chất lượng nguồn nhân lực luôn là yêu cầu bảo đảm thành công.
Cùng với kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thủy sản, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái, văn hóa nhân văn thì Trà Vinh vẫn đang gánh trên mình một trung tâm nhiệt điện than trước nỗi lo tác động môi trường, sinh thái. Làm sao để phát triển bền vững, không thể đánh đổi môi trường để có nhà đầu tư cũng là bài toán cần được giải trong suốt chiều dài phát triển.
Kỳ vọng về một "kỳ tích sông Tiền, sông Hậu", một tỉnh nghèo Trà Vinh trở thành trung tâm phát triển mới sẽ không là viển vông khi bài toán cho đầu tư phát triển - những bài toán kinh tế - được giải bằng hiện thực.
Bình luận (0)