Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với việc phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, TP Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh.
Lợi thế phát triển cảng biển quốc tế
Tỉnh Khánh Hòa có diện tích gần 5.200 km2, với đủ dạng địa hình như vùng bán sơn địa, đồng bằng duyên hải, biển, đảo… Đây là cơ sở để Khánh Hòa phát triển kinh tế toàn diện, từ lâm nghiệp, nông nghiệp, du lịch, công nghiệp… đặc biệt là các ngành nghề gắn với kinh tế biển.
Khánh Hòa có đường bờ biển dài 385 km với khoảng 200 đảo lớn nhỏ. Trong đó vịnh Vân Phong là vịnh biển lớn nhất tỉnh Khánh Hòa với tổng diện tích 503 km2, độ sâu trung bình trên 10 m, nơi sâu nhất trên 30 m. Sách địa chí Khánh Hòa ghi lại Đại Lãnh (nằm trong vịnh Vân Phong) là bãi tắm nổi tiếng. Vẻ đẹp của Đại Lãnh từng được vua Minh Mạng cho chạm hình Đại Lãnh vào Tuyên Đỉnh, là 1 trong 9 đỉnh đồng lớn đặt ở Thế Miếu (vào năm 1836). Vịnh Vân Phong có lợi thế phát triển cảng biển quốc tế với quy mô diện tích lớn vì ít chịu ảnh hưởng của bão, có độ sâu trung bình lý tưởng và không bị bồi lắng. Khu vực này nằm ở vị trí trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Vịnh Vân Phong là một phần của Khu Kinh tế Vân Phong - khu vực xác định là trung tâm kinh tế, thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận.
Khu Kinh tế Vân Phong với diện tích 150.000 ha dự kiến sẽ là “thỏi nam châm” thu hút các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội
Trong khi đó, vịnh Nha Trang với diện tích khoảng 400 km2, phía Ðông và phía Nam của vịnh được giới hạn bằng một vòng cung gồm các đảo. Trong đó, Hòn Tre là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 30 km2 có Khu du lịch VinPearl Nha Trang, ngoài ra còn nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như: Bãi Trũ, Bãi Tre, Hồ cá Trí Nguyên (Hòn Miếu), Hòn Tằm… Đặc biệt Hòn Mun là nơi thiết lập khu bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam với những rạn san hô và quần thể sinh vật biển quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn của thế giới.
Hệ thống các đảo ở vịnh Nha Trang còn là nơi chim yến cư trú và làm tổ. Đặc sản Khánh Hòa là yến sào từ chim yến đảo hết sức quý giá, giàu dinh dưỡng.
Ở phía Nam, vịnh Cam Ranh với diện tích khoảng 185 km2, được xếp vào loại 1 trong 3 hải cảng có điều kiện tự nhiên tốt nhất thế giới, xung quanh có núi bao bọc, kín gió. Vịnh Cam Ranh chỉ cách đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển, trong khi so với Hải Phòng cách 18 giờ. Đặc biệt năm 2016, Cảng Quốc tế Cam Ranh được khánh thành, có khả năng đón tàu tải trọng lên đến 110.000 DWT, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8. Khu vực này còn có Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm) với hơn 40 dự án đã và đang triển khai. Ở khu vực này, tỉnh Khánh Hòa cũng triển khai lập quy hoạch đô thị mới mang tầm quốc tế.
Quy hoạch Vân Phong thành khu kinh tế tổng hợp
Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Trong đó, tập trung làm tốt công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần của thành phố Cam Ranh.
Ngày 29-3, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ có 2 đô thị loại I là TP Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm. Bên cạnh đó, Khánh Hòa sẽ có 1 đô thị loại II là TP Cam Ranh; 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Trong đó, TP Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị có sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 27-3 cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với diện tích phần mặt nước khoảng 79.178 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.822 ha. Theo quy hoạch, khu kinh tế này xác định là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.
Lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa sẽ diễn ra vào tối 1-4, tại Quảng trường 2-4 (TP Nha Trang) gồm phần nghi lễ và chương trình nghệ thuật có chủ đề "Khánh Hòa - Xứ Trầm tỏa hương", cuối chương trình có bắn pháo hoa tầm thấp.
Đáng chú ý, vào ngày 2-4, sẽ diễn ra hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 do UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng đồng tổ chức. Hội nghị sẽ công bố các quy hoạch của tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Về Khánh Hòa, về Khu Kinh tế Vân Phong, về đô thị Cam Lâm, về TP Nha Trang.
Hội nghị cũng nhằm giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước định hướng phát triển của tỉnh và danh mục dự án, lĩnh vực định hướng thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư.
Bình luận (0)