xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA (1653 - 2023): Khánh Hòa vươn mình mạnh mẽ

KỲ NAM thực hiện

Trải qua 370 năm hình thành và phát triển, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm phát triển toàn diện của khu vực Nam Trung Bộ và cả nước. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thông tin về những bước đột phá với mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc trung ương

Phóng viên: Là người con Khánh Hòa, là lãnh đạo tỉnh nhiều nhiệm kỳ, ông đánh giá thế nào về sự thay đổi, phát triển của vùng đất Khánh Hòa giàu tiềm năng này?

- Ông NGUYỄN TẤN TUÂN: Kể từ năm 1975 đến nay, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, cùng đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, xây dựng và phát triển quê hương và đã gặt hái được những thành tựu quan trọng đáng tự hào.

370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA (1653 - 2023): Khánh Hòa vươn mình mạnh mẽ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Khánh Hòa đã khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển kinh tế - xã hội, đạt một số chỉ tiêu đặt ra, trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia và có thương hiệu quốc tế. Từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Khu Kinh tế Vân Phong từng bước có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh. Thu ngân sách tăng nhanh, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương và có điều tiết về ngân sách trung ương.

Hệ thống đô thị ven biển được hình thành, hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp… Sự phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt được nhiều tiến bộ; tỉ lệ hộ nghèo đạt mức thấp... Sự phát triển kinh tế - xã hội được kết hợp chặt chẽ với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 55 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khánh Hòa tác động ra sao cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới, thưa ông?

- Việc Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đóng vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần mở ra định hướng phát triển cho thời kỳ mới, với các cơ chế, chính sách đặc thù giúp Khánh Hòa khơi thông các nguồn lực, khai thác và tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu đưa Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc trung ương, trở thành động lực tăng trưởng của cả vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Có thể khẳng định đây là điều kiện tốt nhất để Khánh Hòa "cất cánh" trong thời gian đến.

370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA (1653 - 2023): Khánh Hòa vươn mình mạnh mẽ - Ảnh 2.

Thành phố Nha Trang được xác định là đô thị hạt nhân của Khánh Hòa. Ảnh: NAM PHONG

Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa được xem là "chìa khóa" để tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 09 Bộ Chính trị. Những cơ hội lớn mà tỉnh Khánh Hòa nhận được từ các chính sách đặc thù của Nghị quyết 55 có thể kể đến như: Chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước góp phần hỗ trợ ngân sách địa phương có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa vùng, miền. Chính sách về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai giúp tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương và rút gọn thời gian, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, góp phần thúc đẩy sớm thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm. Chính sách phát triển Khu Kinh tế Vân Phong nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực đầu tư phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Hiện nay, để cụ thể hóa Nghị quyết 55, HĐND tỉnh ban hành 5 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 2 quyết định; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành trung ương tham mưu ban hành 3 quyết định quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ... Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan tham mưu khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách đặc thù theo kế hoạch.

Khánh Hòa là vùng đất có thế mạnh về kinh tế biển, đặc biệt với 3 vịnh lớn là Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Thưa ông, Khánh Hòa có những giải pháp, hành động gì để phát huy thế mạnh đó?

- Để thu hút được các dự án đầu tư lớn, các nhà đầu tư chiến lược về kinh tế biển, tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện các nền tảng hiện có, dựa trên tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Trong đó, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Tỉnh đang tập trung hoàn thiện quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Nha Trang đến năm 2040 và quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ hành chính công gắn liền với Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến theo hướng "một cửa, tại chỗ" từ năm 2023.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường các cơ chế tiếp xúc và đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mang tính kết nối chiến lược; tiếp tục kêu gọi các dự án cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội chất lượng cao như bệnh viện, trường đại học, trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao.

Bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế, tỉnh còn ban hành chính sách để giúp người dân ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Khánh Hòa đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho con em gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, xây mới và sửa chữa nhà tình nghĩa, miễn giảm thuế, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa đầu tư và phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội được học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp. Tỉnh cũng đang nghiên cứu, xây dựng và ban hành một số chính sách an sinh xã hội đặc thù của tỉnh như: chính sách hỗ trợ, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; chính sách giảm nghèo đặc thù; Đề án Hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho gần 71.000 người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm... 

Nhiều cơ chế chính sách đặc thù

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 55 về thí điểm 11 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, có 7 cơ chế chính sách tương đồng với các địa phương khác được thí điểm và 4 cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh. Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 6/2023/QĐ-TTg quy định thí điểm về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô dưới 500 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, ủy quyền cho HĐND tỉnh Khánh Hòa.

Điều này đã tạo ra nhiều thời cơ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa, giúp tỉnh này phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Trong đó, có cơ chế bổ sung nguồn vốn đầu tư công của tỉnh; được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số; hỗ trợ việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện các kết cấu hạ tầng quan trọng, như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay charter tại Khu Kinh tế Vân Phong... tạo nền tảng phát triển trong dài hạn cũng như tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị mới. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết về ban hành danh mục các dự án đầu tư công thực hiện thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Đây là nghị quyết rất quan trọng, giúp tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Thu nhập người dân tăng cao

Số liệu thống kê được tỉnh Khánh Hòa công bố vào năm 2000, thu nhập bình quân đầu người ở Khánh Hòa là 401 USD, thu ngân sách trên 1.000 tỉ đồng. Thời điểm năm 2018, tổng thu ngân sách tỉnh này đạt 21.868 tỉ đồng, tăng hơn 21 lần so với năm 2000. Sau 2 năm dịch COVID-19, năm 2022 thu ngân sách tỉnh đạt 16.418 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 76,5 triệu đồng, tương đương 3.326 USD.

370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA (1653 - 2023): Khánh Hòa vươn mình mạnh mẽ - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo