Vùng đất Khánh Hòa trở thành một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam đến nay đã 370 năm. Đó là một quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển không mệt mỏi của bao thế hệ, để hôm nay vùng đất này đang thay da đổi thịt trở thành một trung tâm văn hóa, kinh tế của khu vực.
Đất anh hùng, lắm người thương
Sách "Địa chí Khánh Hòa" có ghi sử liệu Đại Nam nhất thống chí, từ năm 1653, vua Chăm là Bà Tấm sai quân quấy nhiễu biên cảnh. Chúa Nguyễn Phúc Tần sai đại thần Hùng Lộc vào chống giữ, vượt núi Thạch Bi (Đèo Cả) đánh tận sông Phiên Lang (TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận).
Vua Chăm có thư hàng và dâng đất từ Phiên Lang ra đến Phú Yên. Chúa Nguyễn chấp thuận, đặt dinh Thái Khang, chia làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, giao cho đại thần Hùng Lộc trấn thủ. Năm 1690, Chúa Nguyễn đổi tên phủ Thái Khang thành Bình Khang. Năm 1742, đổi phủ Diên Ninh thành Diên Khánh và đổi dinh Thái Khang thành dinh Bình Khang. Năm 1803, vua Gia Long đổi dinh Bình Khang thành dinh Bình Hòa, 5 năm sau đổi là trấn Bình Hòa với 2 phủ, 5 huyện. Đến năm 1832, sau khi cải cách hành chính, vua Minh Mạng đổi trấn Bình Hòa thành tỉnh Khánh Hòa gồm 2 phủ, 4 huyện. Địa danh Khánh Hòa có từ đây.
Sư đoàn 10 tiến vào thị xã Nha Trang vào ngày 2-4-1975. Ảnh: TƯ LIỆU
Ngày 11-6-1924, vua Khải Định cho thành lập thị trấn Nha Trang - lỵ sở của chính quyền bảo hộ. Theo nhà nghiên cứu Quách Tấn, Nha Trang do chữ Chăm là Ea Tran hay Yjatran mà ra.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng xâm lược nước ta. Năm 1885, vua Hàm Nghi ra chiếu "Cần vương" kêu gọi cả nước chống Pháp. Tại Khánh Hòa, ông Trịnh Phong (người làng Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang) cùng các ông Trần Đường, Nguyễn Khanh và nhiều nhân sĩ thành lập "Bình Tây cứu quốc đoàn". Ông Trịnh Phong được nghĩa quân phong là Bình Tây đại tướng, nghĩa quân đã chiếm thành Diên Khánh làm tổng hành dinh, phía Bắc ông Trần Đường làm Tổng trấn.
Khánh Hòa cũng là vùng đất hoạt động của các chí sĩ yêu nước của phong trào Duy Tân - khuyến khích tân học, khai trí, chấn dân sinh mà tiêu biểu là Trần Quý Cáp. Tháng 6-1908, ông bị khép tội xúi giục dân chúng chống thuế và bị xử chém ở cầu Sông Cạn.
Khánh Hòa còn là quê hương thứ hai của nhà bác học Alexandre Yersin (1863- 1943, người Thụy Sĩ gốc Pháp). Ông đã sống và cống hiến cả cuộc đời làm khoa học ở nơi này. Alexandre Yersin là người tìm ra vi trùng dịch hạch và nghiên cứu thành công huyết thanh chữa bệnh dịch hạch cho thế giới. Ông cũng là người lập phòng thí nghiệm Pasteur Nha Trang, lập trại chăn nuôi Suối Dầu để sản xuất huyết thanh, dược liệu và đưa cao su vào trồng ở nước ta.
Anh dũng trong kháng chiến
Trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước, Khánh Hòa cùng cả nước đã anh dũng đấu tranh giành độc lập với những chiến công oanh liệt.
Những năm 1925-1926, hai thầy giáo Ngô Đức Diễn (quê Nghệ An), Hà Huy Tập (quê Hà Tĩnh) thành lập cơ sở đầu tiên của Đảng Tân Việt tại thị xã Nha Trang và huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay). Tháng 12-1929, Đảng Tân Việt thống nhất thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn và đại hội vào ngày 1-1-1930. Đến ngày 24-2-1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày này được lấy chính thức làm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân Khánh Hòa diễn ra rộng khắp. Sách địa chí Khánh Hòa ghi nhận ngày 16-7-1930, một cuộc đấu tranh lớn nổ ra ở thị xã Ninh Hòa thu hút hàng ngàn người tham gia. Tháng 10-1945, hơn 1.000 quân Pháp từ chiến hạm Richelieu đổ bộ đánh chiếm lại Nha Trang. Nhân dân Khánh Hòa bước vào cuộc chiến đấu mới với khí thế sục sôi mà tiêu biểu là cuộc kháng chiến nổ ra ngày 23-10-1945. Hàng loạt vị trí quân Pháp bị tấn công. Quân ta tiến hành bao vây thị xã Nha Trang ở 3 mặt Tây, Nam và Bắc với sự tham gia của 2 đội Nam tiến là Thuận Hóa và Lê Trung Đình.
Cuối tháng 1-1946, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp vào kiểm tra mặt trận phía Nam, thị sát mặt trận Nha Trang. Bộ trưởng góp ý kiến về cách bố phòng, chiến thuật, chiến lược và truyền đạt chỉ thị "kháng chiến kiến quốc" của Trung ương Đảng tại thành Diên Khánh.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, quân dân Khánh Hòa tiếp tục bước vào kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, ngày 29 Tết Mậu Thân năm 1968, Trung đoàn Sao Thủy cùng quân dân Khánh Hòa đã mở cuộc tổng tấn công bằng trận pháo kích vào sân bay Nha Trang. Liên tục các năm 1969-1973, quân dân Khánh Hòa liên tục mở các chiến dịch HT, HT2, HT3, HT4 tập kích đầu não căn cứ Lam Sơn (Dục Mỹ), đánh thẳng vào bộ tư lệnh sư đoàn 9 Bạch Mã.
Ngày 10-3-1975, quân ta mở chiến dịch Tây Nguyên và giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, buộc địch rút khỏi Tây Nguyên. Sư đoàn 10 của quân ta được lệnh giải phóng Khánh Hòa. Đại tá Nguyễn Quang Lâm, nguyên Phó chính ủy Trung đoàn 24 (thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) là người trực tiếp tham gia trận đánh trên đèo Phượng Hoàng. Chiều 1-4-1975, quân giải phóng đã đánh chiếm được khu trung tâm đèo Phượng Hoàng, làm chủ 6 cụm phòng thủ của địch, xóa sổ Lữ đoàn dù số 3, đánh thẳng xuống Trường sĩ quan Lam Sơn và Trường biệt kích Dục Mỹ. Rạng sáng 2-4, Trung đoàn 24 và Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 28 đổ bộ vào thị trấn Ninh Hòa, Sư đoàn 10 tiến quân thẳng vào Nha Trang. Đến 17 giờ chiều 2-4, cờ giải phóng treo trên nóc dinh tỉnh trưởng Lý Bá Phẩm. Khánh Hòa hoàn toàn được giải phóng.
Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang
Năm 2003, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, tỉnh Khánh Hòa có 54 tập thể, 19 cá nhân được phong tặng danh hiệu này, 9 tập thể, 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, 996 mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 13 mẹ hiện vẫn còn sống.
Bình luận (0)