Xác định việc thu hút đầu tư là giải pháp then chốt để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương, những năm qua, Bình Định đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thu hút 94 dự án
Cụ thể, tỉnh chủ động rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch và xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển từng địa bàn; xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới; phát triển các vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao; chuẩn bị tốt điều kiện về hạ tầng, nhất là đất đai; cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, Bình Định thực hiện nhất quán chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các ngành nghề, dự án sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (bìa trái) trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu Công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định
Nhờ lợi thế sẵn có và những nỗ lực trên, Bình Định đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Cụ thể, thời gian gần đây, hàng loạt nhà đầu tư tên tuổi trong nước như Hưng Thịnh, Phát Đạt, TNG, Capital House… với nhiều dự án hàng ngàn tỉ đồng đã làm thay đổi diện mạo địa phương như: khu đô thị Nhơn Hội New City, khu đô thị Green Complex City, khu đô thị Quy Nhơn New City… Mới đây nhất là dự án Khu Công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định với tổng vốn đầu tư 3.333 tỉ đồng do Tập đoàn Becamex làm chủ đầu tư tại huyện Vân Canh.
Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định, nhìn nhận dù bị ảnh hưởng chung bởi đại dịch Covid-19 nhưng kết quả thu hút đầu tư 9 tháng đầu năm 2020 của địa phương vẫn khá với 94 dự án. Trong đó có 92 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 17.801 tỉ đồng và 2 dự án đầu tư từ nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 2 triệu USD.
Về đầu tư trong nước, có một số dự án nổi bật như: công trình khách sạn cao cấp Ngô Mây (1.815 tỉ đồng), khu du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe Hội Vân (630 tỉ đồng), khu trung tâm dịch vụ kho bãi cảng Thị Nại và khu chế biến thủy sản (887 tỉ đồng).
Hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Đặc biệt, trong hơn 3 tháng qua, có nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài ngỏ ý muốn đầu tư tại Bình Định như: Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) xem xét xây dựng nhà máy sản xuất ôtô; Công ty Hyundai Aluminum Vina (Hàn Quốc) muốn đầu tư hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao và hứa sẽ thu hút khoảng 60 nhà đầu tư Hàn Quốc đến sản xuất, kinh doanh; Công ty Cammsys (Hàn Quốc) muốn hợp tác phát triển dự án cung cấp ôtô điện; Tập đoàn PNE (Đức) đề xuất làm dự án phát triển công viên điện gió ngoài khơi với tổng vốn 1,5 tỉ USD…
Ông Kenichi Horinouchi, Tổng Giám đốc Mitsubishi Motors Việt Nam (Tập đoàn Mitsubishi), nhận định: "Bình Định có lợi thế cảng nước sâu nên chúng tôi xác định là điểm ưu tiên hàng đầu để đầu tư. Hạ tầng giao thông tỉnh này cũng khá hoàn thiện, thuận lợi cho việc đi lại vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, Bình Định là tỉnh có quỹ đất lớn, rất thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất phụ kiện phục vụ cho ngành sản xuất ôtô".
Tiếp tục cải cách hành chính
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết địa phương được đánh giá là nơi hội đủ nhiều ưu thế, từ vị trí địa lý đến hạ tầng giao thông. Tỉnh còn có Khu Kinh tế Nhơn Hội được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi vượt trội...
Thời gian tới, Bình Định tập trung mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước có tiềm lực đến đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như du lịch - dịch vụ, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất phần mềm... Tỉnh cũng tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư lớn có khả năng lôi kéo, thúc đẩy các dự án phụ trợ, công nghệ sạch từ các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Tây Âu... "Công tác cải cách hành chính sẽ tiếp tục được cải thiện, ưu tiên tập trung ở các khâu như đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, cấp phép đầu tư, giải quyết thủ tục giao đất..." - ông Dũng khẳng định.
Bình luận (0)