Sáng 25-6, ông Phạm Hùng, Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác vào tỉnh Đắk Nông để chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bạch hầu.
Lây lan nhanh
Từ đầu tháng 6 tới nay, tại huyện Krông Nô và Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông đã có 12 người mắc bệnh bạch hầu. Trước tình hình này, chiều 28-6, đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ đến kiểm tra tại khu vực xảy ra dịch bạch hầu và các cơ sở y tế liên quan. Ngày 29-6, đoàn công tác sẽ làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông để tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bạch hầu.
Ổ bạch hầu đầu tiên khởi phát tại Trung tâm Trẻ mồ côi Ngôi nhà may mắn (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) khi 3 cháu nhỏ và 1 người thân của 1 cháu mắc bệnh. Đến ngày 19-6, cháu Sùng Thị H. (9 tuổi; ngụ xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long) bị bệnh và tử vong vào sáng 20-6. Tại xã này phát hiện thêm 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu là hàng xóm, bạn học của cháu H.
Ngành y tế tỉnh Đắk Nông triển khai các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu. Ảnh: CAO NGUYÊN
Đến ngày 20-6, tại xã Đắk Rmăng, huyện Đắk G’long, bệnh nhân Giàng A Ph. (13 tuổi) dương tính với bệnh bạch hầu. Ngành y tế đã khám sàng lọc và phát hiện ông Giàng A P. (40 tuổi) và cháu Thào A T. (10 tuổi) mắc bệnh.
Ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, cho biết bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, lây lan nhanh nên chính quyền địa phương luôn sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ, tổ chức cấp phát gạo, phun thuốc khử trùng hỗ trợ tại điểm có dịch.
Ngày 25-6, bác sĩ (BS) Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện (BV) Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk), cho biết đã tiếp nhận và điều trị 6 bệnh nhân bị bạch hầu từ tỉnh Đắk Nông. Đến nay, 2 người đã xuất viện, 3 người khác sức khỏe ổn định. Riêng cháu Giàng A Ph. bị bệnh hầu ác tính ngày thứ 9, phải mở khí quản, đặt máy tạo nhịp, truyền tiểu cầu… "Vài ngày qua, các BS của BV Bệnh nhiệt đới TP HCM lên hỗ trợ điều trị và thống nhất chuyển bệnh nhân Ph. xuống TP HCM để các BS theo dõi, tiếp tục điều trị" - BS Minh nói.
Tại tỉnh Kon Tum, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh này đã ghi nhận 5 ổ dịch và 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu từ đầu năm đến nay.
Đi trước một bước để ngăn chặn
Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, khẳng định ngành y tế đã tổ chức cách ly, điều trị dự phòng cho hơn 1.200 người tại 3 ổ dịch. Những người này không được rời khỏi địa phương, mọi giao dịch thực hiện tại chốt cách ly. Các nhân viên y tế đã phun hóa chất khử trùng tại các khu dân cư, khu vực công cộng nơi xuất hiện ổ dịch.
Những năm qua, bệnh bạch hầu đã xảy ra ở Kon Tum, Gia Lai, năm ngoái là Đắk Lắk, năm nay là Đắk Nông. Bạch hầu hiện vẫn tồn tại trong cộng đồng nhưng số ca mắc bệnh ít do chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam triển khai hiệu quả. Việc bệnh bạch hầu vẫn xảy ra rải rác ở những khu vực mà tỉ lệ tiêm chủng còn thấp. Ở Đắk Nông, bệnh chủ yếu xảy ra ở đồng bào dân tộc thiểu số M’Nông. Cộng đồng dân cư này hưởng ứng việc tiêm chủng thấp. Do đó, ngành y tế đang triển khai tiêm vắc-xin bổ sung phòng chống bạch hầu để ngăn chặn dịch lâu dài.
Ngành y tế tỉnh Đắk Nông đã rà soát toàn bộ cộng đồng người M’Nông sống trên địa bàn và từ ngày 25-6 tổ chức khám sàng lọc chủ động. Qua thăm khám, những trường hợp nào nghi ngờ thì lấy mẫu đi xét nghiệm và điều trị dự phòng. "Chúng tôi đi trước một bước, không đợi đến khi phát hiện ca bệnh bạch hầu mới tới chống dịch. Ba ổ dịch kia đã khống chế tương đối nên ngành y tế tung lực lượng đi sàng lọc để ngăn chặn trước" - ông Hà Văn Hùng nhấn mạnh.
Đoàn bác sĩ TP HCM lên chi viện
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, ngày 25-6 cho hay đoàn gồm 4 BS do đích thân ông dẫn đầu đã lên khu vực Tây Nguyên để tăng cường hỗ trợ chuyên môn điều trị bệnh bạch hầu. "Ngoài hỗ trợ chia sẻ công tác chuyên môn ban đầu, đoàn BS BV chúng tôi còn "cắm chốt" một BS ở lại BV Đa khoa vùng Tây Nguyên để trực chiến xuyên suốt" - BS Châu thông tin.
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao và lây lan rất nhanh. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như ho sốt, mất tiếng, khàn giọng, đau họng. Bệnh thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan hay viêm thanh quản và có thể biểu hiện như một bệnh nhiễm trùng da. Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày. Tỉ lệ tử vong khoảng 5%-10% và phần lớn ở độ tuổi trẻ em dưới 15 tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum, tại các xã phát hiện ca bệnh, chính quyền địa phương cần hạn chế người dân đi lại, cho uống kháng sinh điều trị dự phòng và tổ chức vệ sinh, xử lý môi trường, tổ chức tiêm phòng cho trẻ... Việc chống dịch gặp không ít khó khăn do bệnh xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nơi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, trình độ nhận thức về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế.
Bình luận (0)