Ngày 19-12, ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chưa xứng với tiềm năng
Trước đó, tại phiên họp Bộ Chính trị ngày 15-11, Ban Kinh tế Trung ương trình bày báo cáo tổng kết 10 năm về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Sau khi thảo luận, Bộ Chính trị kết luận: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Lắk và TP Buôn Ma Thuột đã nghiêm túc, tích cực trong xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế tăng trưởng khá cao, quy mô nền kinh tế năm 2018 tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 78 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp, trong đó dịch vụ phát triển nhanh.
TP Buôn Ma Thuột sẽ phát triển theo hướng thành phố thông minh, sinh thái, bản sắc
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đạt kết quả tích cực, đã trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk. Vai trò đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội giữa Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung và quan hệ quốc tế đang từng bước thực hiện. Văn hóa, xã hội có bước phát triển khá; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, an sinh xã hội bảo đảm. Bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Tuy nhiên, nhìn chung TP Buôn Ma Thuột vẫn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế, thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao; chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên...
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ ra rằng Đắk Lắk nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng vẫn còn yếu nhiều mặt, nhất là về dịch vụ, công nghiệp. Việc phát triển lợi thế về cà phê cũng không thực hiện được khi chỉ mới tập trung trồng thật nhiều cây cà phê, sau đó lại chở hạt cà phê thô xuống Bình Dương, TP HCM để chế biến sâu và phân phối. "Cách phát triển Buôn Ma Thuột trong 10 năm qua cơ bản vẫn chỉ là xây dựng thủ phủ của tỉnh chứ chưa phải là thủ phủ vùng Tây Nguyên" - PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Xây dựng TP thông minh, sinh thái, bản sắc
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Văn Cường cho biết trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, tỉnh đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện.
Theo đó, sẽ tập trung xây dựng hệ thống chính trị của TP Buôn Ma Thuột thực sự trong sạch, vững mạnh; coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, trong sáng về đạo đức.
Tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng thuê tư vấn nước ngoài thực hiện quy hoạch TP Buôn Ma Thuột đến năm 2050 và tầm nhìn xa hơn, dựa trên yêu cầu của tỉnh. Các quy hoạch, thiết kế, xây dựng, hậu kiểm theo một quy chuẩn. Hạ tầng thông tin, cấp thoát nước được ngầm hóa. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng nhà máy rác hiện đại, tránh ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở quy hoạch ấy, tỉnh sẽ quản lý, thực hiện theo hướng làm cho diện mạo Buôn Ma Thuột thực sự là TP thông minh, sinh thái, bản sắc.
Dẫn chứng liên quan đến việc chú trọng quy hoạch trong phát triển, ông Cường cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tạm dừng 8 dự án xây dựng khu dân cư để rà soát, xem xét lại quy hoạch tổng thể; bảo đảm yêu cầu xanh, sinh thái, bản sắc, đồng bộ; không để mạnh ai nấy làm.
Cũng theo ông Cường, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế của Buôn Ma Thuột như năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời nghiên cứu xây dựng trung tâm phần mềm. "Tỉnh có điều kiện khí hậu mát mẻ, trong lành. Môi trường tốt sẽ kêu gọi được các doanh nghiệp phần mềm vào đầu tư, xây dựng một khu vực, tạo không gian cho sáng tạo, phát triển" - ông Cường kỳ vọng.
Những nhiệm vụ khác mà ông Cường đề cập là phải tháo gỡ các điểm nghẽn giao thông, xây dựng đường cao tốc từ Buôn Ma Thuột xuống Nha Trang để thúc đẩy đầu tư, lưu thông hàng hóa, kết nối du lịch. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng bền vững. "Đối với nguồn lực để phát triển, tỉnh cũng đã đề xuất xin các cơ chế đặc thù như vay vốn ODA, kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư)" - ông Cường nói thêm.
Phải nỗ lực gỡ khó
Ông Bùi Văn Cường cũng chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Trong đó, giao thông kết nối vùng còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, năm 2019, tổng chi của tỉnh là 16.000 tỉ đồng nhưng thu ngân sách chỉ được 7.000 tỉ đồng. Đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, có một bộ phận còn sức ì, chưa thích nghi kịp sự phát triển; trình độ dân trí còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao. "Tuy nhiên, tỉnh Đắk Lắk phải nỗ lực gỡ khó để TP Buôn Ma Thuột xứng tầm là trung tâm vùng Tây Nguyên" - Bí thư Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Bình luận (0)