Trụ cáp treo được làm tạm bằng thân cây gỗ chôn hai bên bờ sông, bên cao, bên thấp để tạo độ dốc, người dân đu dây cáp nối từ trụ bên cao đến bên thấp để qua sông. Đoạn sông dài 50-60 m nhưng người dân không chỉ đu qua sông mà còn vận chuyển nông sản. Tuy mỗi lần đu cáp qua sông chỉ chừng 3-5 phút nhưng rất nguy hiểm vì đã có nhiều trường hợp đang đu thì ròng rọc bị tuột nên rơi xuống nước hoặc ròng rọc bị kẹt rồi treo lơ lửng giữa sông.
Người dân huyện Ngọc Hồi tiếp tục liều mình đu cáp treo qua sông
Theo người dân ở các khu vực trên, sở dĩ họ chọn cách đu dây qua sông nguy hiểm này vì cây cầu kiên cố nằm ở xã Đắk Ang xa hơn chục km. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã vận động, ngăn cấm bằng cách tháo dỡ, cắt dây cáp và bố trí kinh phí để làm 2 cầu treo (mỗi cầu 4 tỉ đồng) để người dân qua sông. Tuy vậy, trong khi chờ cầu treo được xây dựng, người dân lại tiếp tục lắp đặt, làm các điểm để tái diễn việc đu cáp treo qua sông. Ông Lê Chứ Hạnh (thôn Nông Nội, xã Đắk Nông) cho biết trong khi chờ cầu treo được xây dựng, người dân chọn cách đu cáp treo qua sông để đến nơi sản xuất cho tiện, đỡ mất thời gian. "Biết đi cáp treo là nguy hiểm nhưng đi cầu kiên cố thì quá xa, mất thời gian nên người dân bất chấp nguy hiểm để đu cáp treo qua sông" - ông Hạnh nói.
Ông Xiêng Thanh Thiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đắk Nông - cho biết chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, ngăn cản nhưng khi không có cán bộ ở đó thì người dân lại đu cáp treo qua sông. Mặt khác, còn do các cầu treo được thi công chậm. Chính quyền địa phương đã phản ánh lên UBND huyện để chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành cầu treo để người dân đi lại thuận tiện và bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Bình luận (0)