xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chờ gỡ vướng dự án phục hồi san hô

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Do thiếu nguồn giống, chưa có định mức kinh tế nên dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biển bị chậm tiến độ

Sau sự cố môi trường biển năm 2016, tỉnh Thừa Thiên - Huế được triển khai dự án xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá; dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản từ nguồn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Chậm tiến độ

Theo ông Thái Văn Phúc, Trưởng Phòng Quản lý và Xây dựng công trình - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT)tỉnh Thừa Thiên - Huế, ở dự án xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá (do Sở NN-PTNN làm chủ đầu tư) có 3 dự án thành phần. Đó là dự án thành phần cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão (TP Huế) có tổng mức đầu tư 220 tỉ đồng đã thi công đạt trên 98%. Dự án nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải (huyện Phú Vang) với tổng mức đầu tư 32 tỉ đồng đã thi công hoàn thành. Dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão (huyện Phú Lộc) có tổng mức đầu tư 148 tỉ đồng đã thi công được khoảng 70% khối lượng.

Nói về kế hoạch hoàn thành dự án cảng cá Thuận An, ông Phúc cho hay hiện đang rà soát lại các vị trí đã thi công, hoàn tất nạo vét âu neo đậu và sẽ hoàn thành trong năm 2022. Riêng đối với cảng cá Tư Hiền, vấn đề khó khăn nhất là thi công 2 mũi đê ngăn đất cát, bất lợi mỗi khi mưa gió.

Chờ gỡ vướng dự án phục hồi san hô - Ảnh 1.

Dự án cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền sắp hoàn thành

Ở dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản gồm hợp phần là thả rạn nhân tạo với tổng mức 150 tỉ đồng và trồng, phục hồi rạn san hô 20 tỉ đồng, triển khai tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mặc dù theo quy định phải hoàn thành vào tháng 12-2022 nhưng nay vẫn chưa triển khai thi công.

Ông Phúc cho biết hợp phần là thả rạn nhân tạo được Bộ NN-PTNT hướng dẫn thực hiện với diện tích 3 km2 (300 ha), độ phủ nền đáy rạn nhân tạo khoảng 1% đến 1,5%. Khu vực thả rạn cách bờ biển xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc tầm 9 km, có độ sâu trung bình từ 22-24 m. Theo đó, dự án sẽ thả 114 cụm rạn với 2.850 cục rạn nhân tạo đúc bằng bê-tông cốt thép, kéo dài 2 km. Mỗi cụm rạn san hộ được thả cách nhau 220 m, trong đó vị trí ngoài các cụm sẽ thả 2.350 cục rạn hình lập phương rỗng, còn bên trong cụm thả rạn hình bán cầu nhằm tạo chỗ trú ngụ, sinh trưởng cho các loài thủy hải sản.

Đến nay, đơn vị tư vấn đã hoàn thành công tác khảo sát và đang lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và đã được phân bổ 50 tỉ đồng. Hiện đã hoàn thành hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và đang thực hiện các bước triển khai sau khi xin ý kiến của Bộ NN-PTNT, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư về thẩm định dự án.

Lúng túng về định mức

Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đối với dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản thì khó thực hiện nhất vẫn là hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô với tổng mức 20 tỉ đồng. "Báo cáo của đơn vị tư vấn từ tháng 5-2022 thì hợp phần này chưa có định mức kinh tế làm cơ sở để lập dự toán cũng như thẩm định. Đơn vị tư vấn đã lập định mức chi tiết như kinh phí, công trồng và tỉnh cũng đã có công văn gửi Bộ NN-PTNT hướng dẫn để triển khai nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm" - ông Phúc nói thêm.

Theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô tại tỉnh Thừa Thiên - Huế là từ 16-18 ha ở vùng biển Sụng Rong Câu, Bãi Chuối thuộc vùng Sơn Chà - Hải Vân, huyện Phú Lộc.

Đối tượng trồng phục hồi là các san hô cứng tạo thành rạn san hô có vai trò quan trọng ở rạn được phục hồi, trong đó ưu tiên một số loài bản địa thuộc bộ san hô cứng Scleractinia. Những loài ưu tiên trồng ở Quảng Bình lấy giống tại chỗ và ở khu vực Hòn Gió. Trong trường hợp thiếu giống thì thực hiện nhân giống tại chỗ bằng phương pháp vườn ươm. Còn đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế giống lấy từ vùng biển Sơn Chà (Đà Nẵng), Cù lao Chàm (Quảng Nam).

Cách lấy giống bằng phương pháp tách giống vô tính từ các tập đoàn san hô với kích thức tối thiểu không dưới 30 cm đối với san hô dạng khối, dạng bán khối; từ 1 m trở lên đối với san hô dạng cành, dạng tán bàn. Lượng san hô lấy đi từ tập đoàn cho giống tối ưu từ 10%-20% nhưng không quá 50% sinh khối và bảo đảm tập đoàn đó vẫn gắn chặt với nền đáy, khả năng phát triển vẫn bình thường.

Đối với kỹ thuật trồng, theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, san hô giống được trồng trên nền đáy cứng, vững chắc là thềm rạn đá hoặc các giá thể nhân tạo được thiết kế phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Phúc thì do nguồn giống khó khăn nên tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xin được điều chỉnh diện tích thực hiện xuống còn 4 ha. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng chưa từng triển khai dự án tương tự về san hô nên khá lúng túng triển khai. "Việc trồng san hô phải thực hiện vào mùa nắng, khi đó các thợ lặn mới xuống đáy biển trồng được. Không những chúng tôi mà Quảng Bình hiện nay cũng chưa thể triển khai hợp phần này. Vì vậy, khả năng dự án này phải xin gia hạn thực hiện trong năm 2023" - ông Phúc nói thêm. 

Sau khi dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản hoàn thành và đi vào vận hành, các cơ quan chức năng sẽ tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm các hành vi khai thác ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Đồng thời sẽ thả các trụ mốc gắn các biển báo để tàu thuyền qua lại nhận biết và tránh vào khu vực thả rạn bảo đảm hệ sinh thái, an toàn cho người và tài sản.


Chờ gỡ vướng dự án phục hồi san hô - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo