Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI cấp bộ, tỉnh năm 2021. Theo đó, chỉ số đánh giá chuyển đổi số của tỉnh Đắk Nông năm 2021 xếp ở vị trí 41/63 tỉnh, thành; tăng 13 bậc so với năm 2020. Đây là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp của 1 tỉnh còn nhiều khó khăn như Đắk Nông.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số
Triển khai thực hiện các chỉ đạo của trung ương và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 1-11-2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thực hiện chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ; tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị Chuyển đổi số cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân hướng đến một quốc gia số toàn diện.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác chuyển đổi số ở Đắk Nông đạt nhiều kết quả trên mọi lĩnh vực. Tỉnh có 24/27 đơn vị đã có chuyên mục tuyên truyền về chuyển đổi số trên trang thông tin điện tử. Lập và tuyên truyền trên mạng xã hội thông qua Cổng Thông tin Chuyển đổi số zalo của tỉnh, Fanpage, Facebook chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông. Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn triển khai chuyển đổi số năm 2022 cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Về cơ chế, chính sách tỉnh Đắk Nông đã kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) chuyển đổi số, trong đó, Trưởng BCĐ là Chủ tịch UBND tỉnh, 4 phó trưởng BCĐ là các phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, quyết định về ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Đắk Nông. Đồng thời, quy định ngày 1-11 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông.
Có 19/19 sở, ban, ngành của tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện trong năm 2022. Trong đó, 13/19 đơn vị ban hành kế hoạch chuyển đổi số lồng ghép với kế hoạch phát triển chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin; 9/19 đơn vị ban hành kế hoạch riêng về chuyển đổi số; 16/19 sở, ban, ngành đã thành lập ban/tổ chỉ đạo chuyển đổi số. Cấp huyện có 8/8 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện trong năm 2022, trong đó, có 8/8 địa phương đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số.
Tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả trong chuyển đổi số như xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh (LGSP) và liệu dùng chung theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông phiên bản 2.0 kết nối với Chính phủ. Kết nối cơ sơ dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến phục vụ phát triển Chính quyền số. 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với 100% cơ quan khối chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã đến gửi nhận văn bản điện tử qua môi trường mạng và đã liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia.
Bên cạnh đó, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông, cung cấp 516 dịch vụ công mức độ 3 và 272 dịch vụ công mức độ 4. Đã thực hiện kết nối thành công 437 thủ tục hành chính của tỉnh lên cổng dịch vụ công Quốc gia. Hiện nay, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR-code. Tỉnh Đắk Nông đã có Kế hoạch phát triển doanh nghiệp số, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số cũng đã được triển khai.
Hàng trăm tổ công nghệ số cộng đồng
Xác định một trong những mục tiêu chính trong chuyển đổi số là phục vụ người dân, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thành lập 182 tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó, các thành viên là cán bộ ban tự quản và hội đoàn thể các thôn, tổ dân phố. Tổ công nghệ số cộng đồng với vai trò là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số để triển khai các nền tảng số đến với cộng đồng dân cư.
Tỉnh Đắk Nông đã thực hiện hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VIETGAP. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 630 sản phẩm, trong đó có 47 sản phẩm OCOP và 583 sản phẩm nông nghiệp khác. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 92,8%.
Có khoảng 25% dân số của tỉnh Đắk Nông tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng di động. Hàng năm, tỉnh tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các chính sách pháp luật về hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, hướng dẫn hình thành quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Người dân quét mã QR code ở phường Nghĩa Tân, TP Gia Nghĩa để làm thủ tục hành chính. Ảnh Lê Dung
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông đã ký kết chương trình phối hợp triển khai chuyển đổi số với 2 địa phương thực hiện thí điểm là UBND TP Gia Nghĩa và UBND huyện Đắk Mil. Bước đầu đã khảo sát, đánh giá hiện trạng chuyển đổi số tại 2 địa phương này và huy động các doanh nghiệp như: VNPT Đắk Nông, Viettel Đắk Nông, Bưu điện tỉnh Đắk Nông, Công ty Misa tham gia hỗ trợ chuyển đổi số.
Theo đó, UBND TP Gia Nghĩa, UBND huyện Đắk Mil đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng tại thôn, bon, tổ dân phố nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai thác, sử dụng các nền tảng số phục vụ nhu cầu cuộc sống. Đồng thời, UBND huyện Đắk Mil đã thực hiện niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR code tại Bộ phận một cửa của UBND huyện và 100% UBND cấp xã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính cũng như dịch vụ công trực tuyến...
Kiến nghị hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo
Với một địa phương còn nhiều khó khăn, UBND tỉnh Đắk Nông đã đề xuất, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét triển khai hỗ trợ điện thoại thông minh đối với hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn Quỹ viễn thông công ích để đảm bảo mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 điện thoại thông minh.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét bố trí hoặc kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Đắk Nông để thực hiện dự án tổng thể triển khai Cổng thông tin dữ liệu đất đai. Đồng thời sớm phê duyệt kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia để tỉnh Đắk Nông có cơ sở triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số nông nghiệp...
Bình luận (0)