Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có 41 dự án nông nghiệp được cấp phép với vốn đăng ký đầu tư trên 2.130 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 1.000 ha. Ngoài ra, có hàng trăm dự án đang cho phép khảo sát, triển khai các thủ tục đầu tư.
Trong số 41 dự án đã cấp phép, có 34 dự án chuyên canh rau, củ và chăn nuôi theo hướng sạch, ứng dụng công nghệ cao. Đa số dự án được cấp phép trong giai đoạn 2017-2020, khởi công rầm rộ nhưng lần lượt bị ngưng trệ, bỏ hoang.
Dự án Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức (tại xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) còn dang dở sau nhiều năm cấp phép đầu tư
Chỉ tính riêng tại huyện Mộ Đức, có 17 dự án (sử dụng khoảng 537 ha, tổng vốn đăng ký gần 1.689 tỉ đồng), sau nhiều năm vẫn chưa có dự án nào hoàn thành, phần nhiều bị chủ đầu tư bỏ mặc.
Đơn cử như dự án Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức (tại xã Đức Minh, huyện Mộ Đức). Dự án có tổng vốn đầu tư trên 114 tỉ đồng, quy mô gần 21 ha; dự kiến mỗi năm sản xuất 26.400 tấn nha đam, 150 tấn dưa lưới, 16 tấn táo xanh, 8 tấn nho và nuôi 1.000 con bò... Thế nhưng, đến nay, sau hơn 3 năm được cấp phép, nơi đây chỉ là một bãi đất bỏ hoang khô cằn.
Cũng tại xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, một dự án trồng rau củ quả ứng dụng công nghệ cao, sử dụng trên 39 ha, bị bỏ hoang từ nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh, cho biết riêng xã Đức Minh có 4 dự án nông nghiệp được cấp phép, triển khai với diện tích trên 68 ha nhưng chưa có dự án nào hoàn thành.
Ở một số địa phương khác của tỉnh Quảng Ngãi, dự án nông nghiệp "chết yểu" cũng khá phổ biến, như 2 huyện Đức Phổ và Tư Nghĩa, mỗi nơi có 6 dự án...
Tình trạng trên gây lãng phí tài nguyên đất, trong khi người dân thuộc diện giải tỏa lại thiếu đất sản xuất. Chính quyền cơ sở nhiều lần báo cáo lên cấp huyện, tỉnh, đề nghị có biện pháp xử lý các dự án này.
Ông Phạm Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, thông tin trong thời gian tới, UBND huyện Mộ Đức phối hợp với các đơn vị liên quan đưa ra hướng tháo gỡ, xử lý phù hợp đối với các dự án nông nghiệp triển khai trên địa bàn. "Nếu những dự án dở dang do vướng mắc các thủ tục, chúng tôi sẽ họp bàn với nhà đầu tư tìm cách tháo gỡ để tiếp tục triển khai. Còn những dự án chủ đầu tư không muốn tiếp tục đầu tư hoặc nhà đầu tư "hụt hơi", chúng tôi sẽ đánh giá tổng thể, báo cáo tỉnh và các sở, ngành liên quan, kiến nghị thu hồi theo quy định hiện hành" - ông Lân nói.
Một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi xác nhận đến nay sở này đã tham mưu chấm dứt nghiên cứu, khảo sát 58 dự án. Lý do là các dự án này đã hết thời hạn cho phép nghiên cứu, khảo sát từ rất lâu nhưng chủ đầu tư không triển khai.
Đối với những dự án đang triển khai nhưng chưa hoàn thành so với quyết định đầu tư hoặc mang hiệu quả kinh tế thấp, sở sẽ cùng các cấp, ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi có biện pháp tháo gỡ...
Bình luận (0)