Mùa lễ hội này, không chỉ đa dạng các loài hoa, du khách về với TP Đà Lạt (Lâm Đồng) có cơ hội thưởng thức hương trà, sắc tơ; đặc biệt là câu chuyện kể về tơ lụa Bảo Lộc trong không gian nhà dài truyền thống của 3 tộc người bản địa là Mạ, Cơ Ho và Chu Ru.
Một số thiết kế từ tơ lụa sẽ được trình diễn tại Festival Hoa Đà Lạt
Hàng trăm bức ảnh kể về câu chuyện tơ lụa cũng như cuộc sống bình dị của người dân bản địa được in trên nền tơ lụa Bảo Lộc, trưng bày bên bờ hồ Xuân Hương. Tại đây, khách tham quan còn được gặp gỡ, trò chuyện với những nghệ nhân, già làng hay những sơn nữ - là những nhân vật từ những tác phẩm ảnh nghệ thuật bước ra đời thực.
Sản phẩm của hàng chục nhà thiết kế tên tuổi, như Genviet Jeans, Minh Hạnh, Chula, Cao Minh Tiến, Nhi Hoàng, Thơm Nguyễn, Tim Tay, Huyền Nhung Nguyễn, Ngọc Hân, Hà Duy… cũng sẽ được trưng bày tại đây.
Bên trong không gian nhà dài truyền thống được dựng bên hồ Xuân Hương, du khách còn được tham quan, trải nghiệm câu chuyện "Con tằm cõng nắng đong đầy nong tơ". Đó là câu chuyện về những vất vả của nghề "ăn cơm đứng" sau những bộ trang phục lụa tơ tằm huyền bí và quyến rũ.
Chưa hết, du khách còn được nghe kể chuyện văn hóa nhà dài và tìm hiểu công cụ lao động của dân tộc Mạ, Cơ Ho, Chu Ru ở Nam Tây Nguyên. Đến đây, du khách như được về với buôn làng từ thuở hồng hoang, sống trong nhịp điệu cồng chiêng huyền thoại và tận mắt chứng kiến kỹ nghệ làm gốm không bàn xoay của người Chu Ru... Các mô hình, tiết mục được nhà báo, nhà dân tộc học Đinh Thị Nga sưu tầm, nghiên cứu và kết nối bằng tâm huyết của mình.
Bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, bảo với chúng tôi rằng không gian nhà dài truyền thống kết hợp tơ lụa Bảo Lộc là ý tưởng mới lạ, giàu giá trị nghệ thuật của Festival Hoa Đà Lạt năm nay. Đây là nơi giao kết giữa văn hóa truyền thống và khoa học hiện đại.
Ngoài 2 buổi trình diễn trong không gian nhà dài truyền thống bên bờ hồ Xuân Hương, chiều 21-12 và tối 22-12, bên bờ hồ Đồng Nai, trung tâm TP Bảo Lộc, cũng sẽ được trình diễn thời trang tơ lụa gắn với đời sống lao động của các dân tộc bản địa Lâm Đồng. Đây là sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" của miền đất Nam Tây Nguyên. n
Bình luận (0)