Năm 2019, để bổ sung tiêu chí khi đạt chuẩn xã nông thôn mới, UBND xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khởi công xây chợ Mỹ Long An với tổng kinh phí 1,5 tỉ đồng, diện tích 2.700 m2. Sau nhiều tháng thi công, chợ Mỹ Long An được hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, giao cho tiểu thương buôn bán mà bỏ hoang suốt nhiều năm.
Tiểu thương khóc ròng
Bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ thôn Mỹ Long An, xã Bình Minh) chia sẻ chợ Mỹ Long An được đầu tư xây dựng, người dân vui mừng vì lâu nay tiểu thương phải buôn bán trong các lều trại tạm bợ. Thế nhưng 3 năm nay, chợ xây xong bỏ phơi mưa nắng, tiểu thương và người dân nhiều lần hỏi chính quyền xã thì được thông tin là sắp đưa vào sử dụng. Nhưng đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì, quá lãng phí.
Tương tự, chợ Nghĩa Phương (xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) được triển khai xây dựng từ tháng 5-2016 trên diện tích gần 4.800 m2 để đạt chuẩn nông thôn mới (được công nhận năm 2017). Công trình có vốn đầu tư trên 4,9 tỉ đồng được hoàn thành, nghiệm thu từ đầu tháng 7-2017. Thế nhưng, dù đã hoàn thành nhiều năm qua, phần lớn khu chợ đóng cửa, nhiều hạng mục xuống cấp, hoang tàn, trong khi đó, tiểu thương phải che lều buôn bán sát bên cạnh.
Chợ Nghĩa Phương, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: TỬ TRỰC
Chợ Bảo Ninh ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình được đầu tư gần 6 tỉ đồng và khánh thành vào năm 2014. Đây là ngôi chợ khang trang và từng được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, dịch vụ, quảng bá những sản vật biển đặc trưng với du khách... Thế nhưng, chỉ đưa vào hoạt động một thời gian ngắn thì chợ bị bỏ hoang hơn 8 năm nay dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó người dân lại họp chợ ngoài đường Nguyễn Thị Định gây nên cảnh nhếch nhác, lộn xộn và mất an toàn giao thông.
Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, việc tùy tiện họp chợ ngay lề đường rất mất an toàn giao thông. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở bà con vào họp chợ đúng nơi quy định, các hộ cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt.
Tại tỉnh Bình Định, hiện có nhiều chợ được đầu tư tiền tỉ nhưng xây xong bị bỏ hoang suốt nhiều năm liền, gây lãng phí ngân sách. Trong đó, nhiều nhất là chợ ở các xã của huyện Phù Mỹ. Điển hình, chợ Mỹ Quang được xây dựng vào năm 2013 trên khu đất rộng khoảng 1 ha, với tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ đồng. Chợ này gồm các hạng mục như khu chợ ngoài trời, khu nhà lồng rộng 500 m2, khu nhà vệ sinh, nhà bảo vệ… Tuy nhiên, do bỏ hoang nhiều năm nên hầu hết các hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng nặng và rơi vào cảnh hoang phế.
Cách chợ Mỹ Quang khoảng 6 km, chợ Mỹ Chánh Tây ở xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ cũng trong tình trạng tương tự. Sau khi hoàn thành, chợ được đưa vào sử dụng nhưng chỉ được vài tháng buôn bán èo uột, các tiểu thương đành phải quay về chợ tạm ven đường. Hiện nay, người dân tận dụng mặt bằng chợ làm sân phơi, nhà kho chứa nông sản.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Tây, cho biết trước ngày khai trương chợ Mỹ Chánh Tây, các tiểu thương đăng ký mua bán ở đây tương đối đông nhưng hiện nay thì khá đìu hiu. Nguyên nhân do tiểu thương thay đổi hình thức kinh doanh là mua bán từng điểm theo thôn, xóm, người mua bán ở đó thuận tiện hơn. Mặt khác, chợ Mỹ Chánh Tây chỉ cách chợ An Lương (xã Mỹ Chánh) hơn 1 km nên tiểu thương và người mua tập trung xuống chợ này mua bán.
Yếu kém trong quản lý
Ông Lê Hồng Tây, Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương tỉnh Bình Định, cho biết nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều chợ trong tỉnh bị bỏ hoang là do sự yếu kém trong quản lý, rà soát và đánh giá hiệu quả của các công trình. Việc quy hoạch và xây dựng một số chợ không gắn với tập quán, thói quen tiêu dùng và điều kiện thực tế của địa phương.
"Để khắc phục tình trạng này, Sở Công Thương đã yêu cầu UBND các huyện, các xã và ban quản lý có chợ bị bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả tìm giải pháp vận động các hộ tiểu thương vào chợ buôn bán, đồng thời xóa bỏ các tụ điểm kinh doanh tự phát. Ngoài ra, mỗi năm, sở còn mời lãnh đạo huyện, xã, ban quản lý các chợ tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, kinh doanh chợ, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương" - ông Tây nói.
Nhiều hạng mục của chợ Mỹ Quang, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Ảnh: ANH TÚ
Ông Ngô Văn Dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết nguyên nhân chính khiến chợ Mỹ Long An chưa đưa vào sử dụng là do hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được hoàn thành. "Sau khi có ý kiến phản ánh, UBND huyện sẽ kiểm tra thực tế, chỉ đạo UBND xã Bình Minh khẩn trương hoàn thành thủ tục pháp lý, hoàn thiện hạng mục phòng cháy chữa cháy, đưa chợ vào sử dụng trong cuối năm 2022" - ông Dụng nói.
Còn ông Nguyễn Đăng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết UBND huyện đã chỉ đạo xã Nghĩa Phương rà soát lại hiện trạng, tiếp tục họp dân để lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc nhằm đưa chợ vào hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. "Chợ xây xong mà tiểu thương không vào buôn bán sẽ khiến công trình hư hỏng, gây lãng phí. Chính quyền địa phương đang tập trung giải quyết vấn đề này, chậm nhất là qua Tết Nguyên đán năm 2023 phải đưa dân vào mua bán trong chợ mới" - ông Vinh thông tin.
Bình luận (0)