Cục thuế các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, TP Đà Nẵng mất nhiều thời gian và công sức để thu hồi tiền thuế khi hàng ngàn doanh nghiệp (DN) không chịu nộp, gây thất thu cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng.
Đủ chiêu "xù" nợ thuế
Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi, hằng năm, tỉnh này có hàng trăm DN "mất tích". Còn tính chung từ trước tới nay, trên 1.500 DN nợ thuế của Quảng Ngãi đã bỏ địa chỉ kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lan, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Quảng Ngãi, cho rằng do việc thành lập DN đơn giản, chính sách thuế thông thoáng nên khi làm ăn không hiệu quả, DN giải thể để trốn thuế.
"Chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng rồi họ thay tên, đổi chủ, tìm mọi cách gian lận nên thu thuế rất khó. Từ năm 2016 đến nay, gần 100 giám đốc các DN "mất tích" đã sang làm giám đốc các DN mới. Thậm chí, có DN bỏ địa chỉ kinh doanh một thời gian, sau đó thành lập DN mới ngay tại địa chỉ cũ và giám đốc cũng chính là người cũ. Có trường hợp từ anh chuyển sang em, cha chuyển cho con, chồng chuyển cho vợ... nhằm trốn thuế" - bà Mỹ Lan cho hay.
Tỉnh Bình Định hiện có 315 DN bỏ địa chỉ kinh doanh cùng với khoản nợ thuế hơn 248 tỉ đồng. 19 DN có người đại diện theo pháp luật đã chết hoặc mất tích đang nợ thuế với số tiền gần 14 tỉ đồng. Còn theo thống kê của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, địa phương này có gần 12.500 cá nhân, hộ kinh doanh, DN "mất tích" hoặc không còn khả năng trả nợ 528 tỉ đồng tiền thuế. Ngoài ra, 11.790 trường hợp không còn hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng vẫn nợ đọng tiền thuế và không có khả năng trả với tổng số tiền hơn 519 tỉ đồng.
Ở Quảng Bình, Cục Thuế tỉnh cho biết đến cuối tháng 9-2019, có tới 3.628 DN và HTX nợ thuế lên tới hơn 285 tỉ đồng. Trong đó, hơn 1.360 DN và HTX nợ thuế khó thu với gần 167 tỉ đồng. Hầu hết những DN nợ thuế lớn đứng trước nguy cơ phá sản cao. Ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, cho biết cục đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế. Ngoài việc hằng tháng thông báo nợ và tiền chậm nộp đến DN, đơn vị còn động viên và "tạo điều kiện" cho những DN gặp khó khăn nhưng nhiều DN vẫn không chấp hành.
Trong khi đó, Cục Thuế TP Đà Nẵng thông tin tính đến hết ngày 31-8, Đà Nẵng có 43 DN nợ thuế trên 90 ngày với tổng số tiền hơn 190 tỉ đồng. Theo quy định của Bộ Tài chính, DN nợ thuế từ 90 ngày trở lên sẽ áp dụng các biện pháp gồm phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy phép kinh doanh.
Một doanh nghiệp nợ thuế hàng tỉ đồng ở Quảng Ngãi nay chỉ còn lại người trông coi. Ảnh: TỬ TRỰC
Cần truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo ông Nguyễn Văn Tiếp, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi, để xử lý tình trạng DN "mất tích", chuyển đổi giám đốc mới..., cần phải có chế tài mạnh, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi cho biết sẽ phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra những DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật như mang theo hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, không đăng ký kinh doanh, chuyển nhượng dự án... và sẽ xử lý nghiêm nếu vi phạm. Với những trường hợp nợ thuế mang theo hóa đơn hoặc nợ thuế ở một mức độ nào đó mà bỏ địa chỉ kinh doanh thì cần xem là dấu hiệu trốn thuế, phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy mới tạo sự công bằng và hình thành môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các DN.
Ông Nguyễn Văn Luyện, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định tiền nợ thuế do các DN bỏ địa chỉ kinh doanh tăng theo từng năm: Năm 2015 là 64 tỉ đồng, năm 2016 là 92 tỉ đồng, năm 2017 nợ 115 tỉ đồng, năm 2018 trên 140 tỉ đồng.
"Dù khó thể thu hồi được nhưng theo Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, tính tiền chậm nộp đối với các khoản nợ này. Điều đó dẫn đến số nợ mà cơ quan thuế phải theo dõi trên sổ sách là rất lớn nhưng là nợ ảo, tạo áp lực lớn về chi phí, nhân lực quản lý" - ông Luyện băn khoăn.
Theo một chuyên gia tài chính, để ngăn chặn tình trạng DN "mất tích" vì nợ thuế, Luật Quản lý thuế cần quy định rõ chủ thể nợ thuế, thậm chí cả người thân của họ, không được thành lập DN mới. Bên cạnh đó, cần có tòa án thuế phối hợp với công an, viện kiểm sát để chuyên xử lý các trường hợp nợ thuế. Bởi lẽ, cơ quan thuế chỉ có chức năng thu hồi hóa đơn nên không thể răn đe được các DN cố tình nợ thuế.
Ông Nguyễn Văn Cổn, Trưởng Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế - Cục Thuế tỉnh Bình Định, khẳng định cơ quan thuế sẽ kiểm tra từng DN nợ thuế bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc "mất tích". Qua đó, thực hiện các biện pháp cưỡng chế, làm thủ tục gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định thu hồi mã số thuế của DN. Riêng các chủ DN này thì không cho mở tiếp công ty khác để hoạt động kinh doanh.
Không đòi được công ty nợ thuế hơn 100 tỉ đồng
Ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, cho biết đối với các DN nợ thuế được liệt vào danh sách khó thu, cục đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật nhưng không thu hồi được.
Điển hình là Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), dù nợ hơn 100 tỉ đồng tiền thuế nhưng đã dừng hoạt động, bị phá sản nên cơ quan thuế không thu được đồng nào.
Bình luận (0)