Ngày 27-2, phóng viên Báo Người Lao Động đến xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh - nơi được xem là hạn hán khốc liệt nhất của tỉnh Lâm Đồng. Bên những khu vườn héo úa, khô rũ là cảnh nhiều người đang chật vật với từng giọt nước để sinh hoạt.
Mót nước từng giọt
Gia đình anh K’ Điệp (thôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal) có hơn 3 ha trồng cây cà phê và điều, giờ đang rũ lá.
Nhiều công trình thủy lợi ở Kon Tum đang khô cạn. Ảnh: HoàngThanh
Anh K’ Điệp cho biết gia đình góp chung hàng chục triệu đồng cùng dòng họ khoan giếng, đào ao tìm nguồn nước cứu cây. "Năm trước, gia đình tôi đầu tư 30 triệu đồng khoan 2 giếng. Năm nay, tiếp tục bỏ 60 triệu đồng đào 2 cái ao cách vườn gần 2 km, phải dùng 2 máy bơm mới đưa được nước đến vườn nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Nếu hạn kéo dài 2 tuần nữa, xem như mất trắng mùa vụ cuối năm" - anh K’ Điệp than thở.
Chị Đào Thị Loan (thôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal) cho rằng chị không nghĩ hạn đến sớm như vậy. "Đến mức nước uống không có, lấy đâu ra để tưới cây. Gia đình tôi mỗi ngày mót từng giọt nước sinh hoạt, nước giếng bơm lên bồn chưa được 5 phút đã sử dụng hết. Muốn nấu ăn thì phải mua nước bình lọc ở thị trấn Đạ Tẻh, cách nhà hơn 30 km. Có hôm, cả gia đình 5 người phải bồng bế nhau về nhà người quen dưới huyện để tắm rửa, giặt giũ" - chị Loan than thở.
Tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Cát Tiên và TP Bảo Lộc, nhiều diện tích cây trồng cũng đang thiếu nước. Hàng trăm người dân đổ xô mua máy nổ, dây ống, đào múc ao hồ, khoan giếng chống hạn. Tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm), dọc theo suối Đại Nga và tuyến kênh thủy lợi hồ Đắk Long Thượng, máy bơm nước liên tục hoạt động để cứu hàng loạt diện tích cà phê đang rũ lá.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận mùa khô năm nay đến sớm, hạn hán khốc liệt, nhiệt độ trung bình trong ngày quá cao, hơn 34 độ C và đang có chiều hướng tăng cao khiến nhiều khu vực lòng hồ thủy điện thiếu hụt nước.
"UBND tỉnh Lâm Đồng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân đào ao hồ nhỏ để tạo nguồn nước tưới; phối hợp cơ quan chuyên môn áp dụng các biện pháp kỹ thuật chống hạn cho cây trồng; chủ động đề xuất các hình thức hỗ trợ người dân chống hạn trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, ngành chức năng ở các huyện Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và các xã, thị trấn phải chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi làm tốt công tác điều tiết nước bảo đảm phục vụ cho dân sản xuất, tránh thiệt hại nặng nề mùa vụ tới" - ông S đề cập các giải pháp chống hạn.
Sẽ khốc liệt hơn
Tại tỉnh Kon Tum, các xã Ia Chim, Đoàn Kết (TP Kon Tum) là những nơi khô hạn xuất hiện đầu tiên. Nhiều khu vườn ở đây héo lá vì nhiều tháng qua không có nước tưới. Dưới cánh đồng, đất khô nứt nẻ khi nhiều công trình thủy lợi trơ đáy.
Ông Phan Văn Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, thừa nhận không chỉ thiếu nước tưới mà người dân trên địa bàn còn thiếu cả nước sinh hoạt. "Những năm trước, giờ này đã có một vài cơn mưa. Nhưng đã 4 tháng qua, chúng tôi trông chờ nhưng không có giọt mưa nào. Xã có 3 đập nước thì 2 đập đã cạn kiệt, đập còn lại còn nước rất ít" - ông Pháp nói. Cũng ở tỉnh này, thống kê của huyện Sa Thầy cho thấy có tới 280 giếng nước trên địa bàn đang khô cạn khiến người dân thiếu nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, cho biết do đã nhiều tháng liền Kon Tum không có mưa nên lượng nước trên các sông chỉ bằng 40%-70% lượng nước trung bình hằng năm. "Dự báo, thời gian tới, hạn hán sẽ còn khốc liệt hơn" - ông Huy nói.
Tại tỉnh Gia Lai, từ khoảng 1 tháng qua, người dân phải tìm cách cứu cây cà phê, lúa và một số hoa màu khác. Sau khi tưới cà phê xong đợt 1, từ đợt tưới thứ 2 nông dân phải túc trực, khi có nước là tưới ngay bất kể ngày đêm.
Ông Thái Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Glar (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai), cho hay đã hướng dẫn bà con thay nhau lấy nước tưới cây để tránh nhiều hộ cùng tưới một lúc khiến lượng nước thiếu hụt nhanh chóng.
1.000 ha lúa "chết đứng"
Tại huyện Bắc Bình, tâm điểm khô hạn ở tỉnh Bình Thuận, tình hình thiếu nước sản xuất cũng hết sức căng thẳng. Theo kế hoạch, vụ đông xuân năm nay, huyện chỉ cấp nước tưới cho hơn 2.900 ha cây thanh long và hơn 2.100 ha lúa. Tuy nhiên, người dân đã trồng thêm trên 1.000 ha lúa ngoài kế hoạch cấp nước. Thời gian qua, nhiều hộ dân ở các xã Bình An, Song Bình, Phan Thanh của huyện Bắc Bình lợi dụng việc cấp nước tưới cho cây thanh long để dùng máy bơm, bơm tưới cho diện tích lúa ngoài kế hoạch. Tình thế buộc UBND huyện phải chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi Bắc Bình không để bơm tưới lúa ngoài kế hoạch nhằm tránh thiệt hại lớn hơn do nắng hạn. Điều này có nghĩa hơn 1.000 ha lúa ngoài kế hoạch sẽ "chết đứng".
Hiện nhiều diện tích trong tổng số hơn 30.000 ha thanh long của Bình Thuận cũng đang thiếu hụt nguồn nước tưới. Nhiều địa phương đang tổ chức cấp nước luân phiên theo từng đợt nhưng vẫn không đủ nước.
Ưu tiên cho nước sinh hoạt
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, hiện tổng dung tích của 20 công trình thủy lợi của tỉnh này chỉ còn chưa đến 150 triệu m3 nước, chưa bằng 50% dung tích thiết kế, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua.
Trước tình hình trên, tỉnh Bình Thuận đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách phòng chống hạn. "Trước mắt, chúng tôi ưu tiên dành nước "tính đúng tính đủ" để bảo đảm có nước đến hết mùa khô này. Nghĩa là cân đối nước đến hết tháng 4 và hy vọng bắt đầu tháng 5 sẽ có mưa. Chúng tôi ưu tiên tính đủ cho nước sinh hoạt, thứ hai là cho gia súc gia cầm, thứ ba mới ưu tiên cây trồng dài ngày có hiệu quả kinh tế cao, nằm trong kế hoạch sản xuất" - ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, nói.
Bình luận (0)