Cuối tháng 9 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền Quảng Nam trong công tác chăm lo cho người nghèo, giúp hàng chục ngàn người dân được an tâm, an toàn hơn trong mùa mưa bão.
Mỗi đợt mưa lũ, tỉnh Quảng Nam di dời hàng ngàn hộ dân ở các vùng thấp trũng đến nơi an toàn
Đối tượng được hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là hộ nghèo; hộ chưa có nhà ở kiên cố hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có chỗ tránh trú bão, lũ; hộ do phụ nữ đang làm chủ hộ; hộ dân tộc thiểu số; chủ hộ là người khuyết tật hoặc già cả, neo đơn. Các hộ gia đình được hỗ trợ đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão lụt thuộc khu vực nông thôn. Tỉnh Quảng Nam dự kiến chi 100 tỉ đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho 10.000 hộ dân với mức 10 triệu đồng/chòi hoặc phòng trú bão, lũ. Ngoài ra, các địa phương kết hợp các nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ người dân. Các hộ dân có thể xây mới chòi/phòng trú bão, lũ theo mẫu thiết kết của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam hoặc xây thêm gác tránh bão, lũ trên căn nhà hiện tại.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, nói rằng người dân trên địa bàn huyện hết sức phấn khởi với quyết sách của tỉnh. Là vùng "rốn lũ" ở tỉnh Quảng Nam, Đại Lộc chính là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất từ nghị quyết này. Hiện UBND huyện đã tập hợp danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai vào thực tế.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, với một tỉnh nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra bão lụt, tỉ lệ hộ nghèo còn cao nên Quảng Nam vẫn còn nhiều gia đình đang phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát, hư hỏng, xuống cấp không bảo đảm điều kiện sống ổn định cũng như an toàn khi có thiên tai. Vì vậy, chính sách hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết, hợp lòng dân.
Thực tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, việc xây dựng các công trình phòng chống thiên tai ngay tại gia đình không chỉ giúp người dân có chỗ trú tránh an toàn trong mùa mưa bão mà còn đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch. "Việc sơ tán người dân tập trung đến một địa điểm khi xảy ra bão, lũ có thể tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Vì vậy, việc tỉnh Quảng Nam hỗ trợ xây dựng công trình phòng tránh bão, lũ cho người dân đã đạt được mục tiêu kép" - ông Bửu nhấn mạnh.
Thiên tai gây thiệt hại nặng nề
Theo thống kê, từ năm 1997 đến 2020, thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã làm 824 người chết, 2.503 người bị thương, 38.553 nhà bị sập, 597.370 nhà dân bị hư hỏng. Mỗi năm thiên tai gây thiệt hại cho tỉnh Quảng Nam từ 2.000 đến 3.000 tỉ đồng. Riêng trong năm 2020, thiên tai ở Quảng Nam đã làm 46 người chết, 17 người mất tích, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, cơ sở hạ tầng, môi trường, điều kiện sống của người dân, với tổng thiệt hại hơn 11.000 tỉ đồng. Thông thường, trước mỗi đợt mưa bão, tùy vào mức độ theo dự báo, tỉnh Quảng Nam phải tiến hành di dời từ vài trăm đến vài ngàn hộ dân đến nơi an toàn.
Bình luận (0)