Cuối tháng 5-2022, Đồn Biên phòng Sơn Trà (TP Đà Nẵng) phát hiện 3 xuồng hơi cải hoán, chở tổng cộng 15 du khách đi câu cá, lặn ngắm san hô trái phép trên biển. Các phương tiện vi phạm bị tạm giữ, chủ phương tiện bị xử phạt. Trong khi đó, du khách hoang mang vì đã vô tình tiếp tay cho các tour du lịch "chui" tại bán đảo Sơn Trà.
Công khai tổ chức tour "chui"
Trả lời cơ quan chức năng, du khách Ng.T.T cho biết mình từ Hà Nội dẫn đại gia đình 7 người vào Đà Nẵng du lịch. Qua các trang Facebook, ông T. đặt tour lặn ngắm san hô tại bán đảo Sơn Trà với giá 300.000 đồng/người lớn và miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. "Thấy xuồng hơi quá nhỏ nhưng lại chở đến 7 người lớn và 1 trẻ nhỏ, tôi đã nghi ngại, sợ chìm xuồng. Nhưng vì có áo phao, biển cũng êm nên cả nhà quyết định lên xuồng. Giờ nghĩ lại thấy mình quá liều lĩnh" - ông T. cho biết.
Đồn Biên phòng Sơn Trà, Đà Nẵng xử lý hàng loạt phương tiện hoán cải hoạt động du lịch trái phép
Đúng như lời ông T. chia sẻ, hiện chỉ cần gõ từ khóa "lặn ngắm san hô Sơn Trà" trên Facebook hoặc Google, du khách dễ dàng tìm được thông tin về các tour du lịch đang hoạt động tại đây. Thậm chí, ở khu vực trước chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà) thường xuyên có nhiều "cò" tập trung, mời chào du khách đi tour lặn ngắm san hô với những mức giá ưu đãi.
Trong vai khách du lịch, phóng viên thử đặt vấn đề về tour lặn ngắm san hô với một "cò dịch vụ" tên Phan Minh Tuyết. Người này khẳng định tour lúc nào cũng có sẵn, không giới hạn số người. Địa điểm lặn thường là Bãi Nồm nhưng nay di chuyển qua Bãi Rạng (cùng thuộc bán đảo Sơn Trà) vì lực lượng chức năng đang kiểm tra rất "gắt". "Chỉ cần đặt lịch trước một ngày sẽ có xe đưa đón đến điểm lặn, thuyền nhỏ hoặc xuồng hơi sẽ đưa khách ra lặn ngắm san hô. Tuyệt đối an toàn" - người này cam kết đồng thời khẳng định việc tổ chức tour là đúng quy định.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện chưa có bất kỳ công ty du lịch nào được cấp phép thực hiện tour lặn ngắm san hô tại bán đảo Sơn Trà. Xác nhận thông tin trên, ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết hiện nay chỉ mới có 2 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa, đều xuất phát từ bến thủy nội địa CT15. Tàu chở khách phải đạt chuẩn SB, được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, quản lý ra vào bến kỹ càng. Còn những loại hình như xuồng cao su, ca-nô đều là hoạt động trái phép.
Gian nan xử lý
Bán đảo Sơn Trà có 5 vị trí thuộc vùng bảo vệ san hô gồm: Hòn Sụp, Bãi Bụt, Bãi Nồm, Đông Bãi Bắc, Hục Lỡ, với tổng diện tích bảo vệ khoảng 134 ha. Trong đó, Bãi Nồm có diện tích lớn nhất lên đến 48 ha. Đà Nẵng giao cho BQL bảo vệ rạn san hô khu vực Hòn Sụp, 4 vị trí còn lại nằm trong diện tích mặt nước được giao cho các chủ dự án khoanh vùng quản lý.
Xuồng hơi cải hoán chở đến 7 người lớn, 1 trẻ em bị lực lượng biên phòng phát hiện
Ông Phan Minh Hải cho rằng bên cạnh việc nước biển ngày càng nóng hơn khiến san hô bị "tẩy trắng" thì hoạt động của các phương tiện thủy nội địa đưa khách lặn ngắm san hô tại khu vực Bãi Nồm, Bãi Bụt… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng san hô. Vì vậy, BQL đã cử nhân viên trực cố định, dùng thúng và loa, còi hiệu để đẩy đuổi phương tiện vi phạm. Sau đó, gửi thông tin phối hợp với Đồn Biên phòng Sơn Trà xử lý. BQL còn tham mưu cho chính quyền địa phương tháo gỡ các nhà hàng, quán nhậu xây dựng trái phép nhằm kiểm soát hoạt động du lịch "chui", bảo vệ rạn san hô trong khu vực.
Theo thiếu tá Đặng Văn Đạo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Trà, để ngăn chặn các hành vi dùng xuồng hơi, thúng máy chở khách du lịch lặn ngắm san hô trái phép, đơn vị liên tục cắt cử cán bộ chiến sĩ tuần tra, cắm chốt tại các địa điểm du lịch vào ngày cao điểm. Tuy nhiên, một số hộ dân không chấp hành, thậm chí còn canh chừng để đối phó, che đậy mỗi khi lực lượng xuất bến tuần tra. Các hộ kinh doanh phần lớn là người dân địa phương, đời sống còn khó khăn nên ngoài việc xử phạt, lực lượng tăng cường tuyên truyền để họ không tái phạm. "Khuyến khích người dân làm giàu tại quê hương nhưng phải bảo đảm đúng quy định pháp luật" - thiếu tá Đặng Văn Đạo khẳng định.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho biết sẽ chỉ đạo các địa phương trên địa bàn quận tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân, chủ cơ sở kinh doanh hoạt động du lịch không được hoán cải các phương tiện thủy để chở khách trái phép. Quận sẽ đề nghị người dân, chủ cơ sở hoạt động du lịch viết cam kết không để tái diễn tình trạng này. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm thì phải kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Có thể bị phạt đến 150 triệu đồng
Từ tháng 1 đến tháng 5-2022, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã xử phạt 10 phương tiện, với các hành vi điều khiển phương tiện không mang giấy tờ, thuyền viên không có tên trong danh bạ thuyền viên, phương tiện hoạt động sai quy định.
Căn cứ điều 6 và điều 8, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản hoặc hệ sinh thái thủy sinh hoặc khu vực thủy sản tập trung sinh sản hoặc khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống; phá hoại nơi cư trú của loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng. Hành vi lấn, chiếm hoặc gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản bị phạt từ 100 đến 150 triệu đồng.
Bình luận (0)