Loài hoa dung dị có sức sống mãnh liệt này lại có sức hút kỳ lạ đối với khách thập phương. Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội, người ta lại í ới rủ nhau lên Đà Lạt ngắm dã quỳ. Đặc biệt, với những người từng sống, học tập ở Đà Lạt, màu vàng rực rỡ ấy đã gợi bao kỷ niệm thân thương. Nó như một quyển nhật ký mà bất giác ta chạm phải, từng kỷ niệm như lại ùa về đầy ắp.
Dã quỳ là một loài hoa dại, rất phổ biến ở Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên. Chúng phát triển rậm rạp đến mức không một loại cây, cỏ nào có thể cạnh tranh được. Dã quỳ thuộc họ hoa cúc nhưng hoa to và có hình dáng rất giống hoa hướng dương, mùi thơm nồng. Nhiều tài liệu cho rằng loài hoa dã quỳ theo chân người Pháp, cùng với cây trà và cà phê đến với cao nguyên này. Ban đầu, hoa dã quỳ được phủ lên những ngọn đồi trọc, ít màu mỡ để lấy lá làm phân bón, ươm cho cây trà và cà phê. Từ đó, chúng mọc ở khắp nơi, nhất là vùng ngoại ô Đà Lạt.
Hoa dã quỳ nở vàng rực núi đồi Đà Lạt .Ảnh: QUÝ TRẦN
Mỗi năm hoa dã quỳ chỉ bung nở một lần vào khoảng tháng 11, nghĩa là mùa mưa ngớt dần, những giọt nắng xuyên qua đồi núi trập trùng báo hiệu mùa khô cao nguyên. Cũng vì thế mà người dân bản địa còn gọi hoa dã quỳ là hoa báo lửa.
Ngắm dã quỳ, du khách nên chọn xe gắn máy để chủ động len lỏi khắp nơi, cũng như lưu lại những thước phim, bức ảnh đẹp ven đường.
Tuyến Quốc lộ 20 đến cao tốc Liên Khương - Đà Lạt rồi từ thị trấn Nam Ban về hướng Tà Nung - Đà Lạt hoặc từ TP Đà Lạt về đèo D’ran Đơn Dương là cung đường đẹp bậc nhất khi du khách về với cao nguyên LangBiang. Hai bên đường là rừng thông và những thung lũng sâu, đường đèo uốn lượn nhuộm vàng hoa dã quỳ. Đẹp nhất là khi du khách đi vào buổi sáng sớm, khi ánh mặt trời vừa nhô lên các triền núi, sương và mây vẫn còn bồng bềnh ôm lấy những quả đồi xa xa, quyện đầy hoa dã quỳ vàng rực rỡ đến nao lòng.
Còn nếu về với phố núi Đà Lạt bằng đường hàng không, khi máy bay chuẩn bị tiếp đất ở sân bay Liên Khương, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những thảm hoa vàng dã quỳ phủ kín các triền đồi.
Bình luận (0)