Những năm gần đây, người đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo ngày càng tăng. Có được điều này phần lớn chính nhờ sự thay đổi từ nhận thức của người dân.
Dành suất cho người khó khăn hơn
Lãnh đạo xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết mới đây có thêm 6 hộ dân của xã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Gia đình chị Y Hà (24 tuổi; thôn Đắk Xia, xã Ngọc Lây) là một trong 6 hộ làm đơn xin thoát nghèo. Trước đây, gia đình chị chủ yếu trồng mì nên thu nhập bấp bênh, thường xuyên phải bán mì non để có tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, vừa qua gia đình chị đã trồng thêm nhiều loại cây dược liệu như sâm dây, đương quy… đã bắt đầu thu hoạch nên gia đình chị làm đơn xin thoát nghèo. "Mình còn trẻ, còn sức lao động và giờ cây dược liệu đã bắt đầu cho thu hoạch nên xin thoát nghèo, để dành cho những hộ khó khăn hơn" - chị Y Hà nói.
Nhà chị Y Đưi (32 tuổi; thôn 8, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) có 6 người cùng sống chung trong căn nhà khoảng 30 m2. Gia đình chỉ có hơn 1 ha đất trồng mì và một đám ruộng trồng lúa. Sau nhiều năm trong diện hộ nghèo, vừa qua chị cũng làm đơn xin thoát nghèo. "Gia đình sống nhờ vào đám rẫy, đám ruộng và vợ chồng tôi cũng đi cạo mủ cao su thuê. Tuy nhiên, vợ chồng còn trẻ, khỏe thì có thể đi làm, nhiều hộ khác trong thôn già cả, tật nguyền không đi làm được nên vợ chồng tôi quyết xin thoát nghèo, để nhà nước tập trung lo cho những hộ còn khó khăn, vất vả hơn, dù biết không được nhận hỗ trợ từ hộ nghèo sẽ có khó khăn" - chị Y Đưi tâm sự.
Theo các hộ dân, họ biết rõ khi ra khỏi hộ nghèo thì gia đình không được nhận một số khoản hỗ trợ của nhà nước như bảo hiểm, tiền điện, con cái đi học sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, họ không trông chờ, ỷ lại vào sự chăm lo của nhà nước mà phải tìm cách tự thân vận động, vươn lên để ổn định cuộc sống. Họ ý thức rõ việc họ thoát nghèo cũng sẽ giúp người khác có cơ hội được nhà nước quan tâm tốt hơn, giúp người xung quanh học hỏi theo mà vươn lên.
Già làng A Huêng - ở làng Kon Klơng, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy - có nguồn thu ổn định và tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo
Thay đổi từ nhận thức
Sau nhiều năm nằm trong diện hộ nghèo, năm 2022, gia đình anh A Bình (người dân tộc Xê Đăng; thôn Đắk Sơ Wang, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) làm đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo. Trước đây, gia đình anh A Bình ít đất sản xuất, phải đi làm thuê, làm mướn nhưng vẫn không đủ ăn, luôn trong cảnh túng quẫn. Đến năm 2019, từ nguồn quỹ sinh kế của thôn, anh A Bình được vay tiền để cải tạo lại khu vườn làm chuồng trại chăn nuôi bò, heo sọc dưa. Đến nay, gia đình anh A Bình đã có cuộc sống ổn định, khấm khá hơn. Giờ thấy mình đã đỡ vất vả hơn nhiều người khác, nên anh làm đơn xin thoát nghèo.
"Cứ để nhà nước lo cho thì con cái đi học nó cũng xấu hổ. Mình thoát nghèo thì những hộ khác cũng nhìn vào và học hỏi theo, Nếu ở trong hộ nghèo mãi thì vẫn nghèo. Mình thoát nghèo có thể suy nghĩ của mình khác đi, tìm cách làm ăn" - anh A Bình tâm sự.
Ông U Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, nói rằng nhờ sự tuyên truyền, vận động, nhiều người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thay đổi dần nhận thức. Chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ bằng cách lồng ghép nhiều nguồn lực, xây dựng các mô hình hiệu quả hỗ trợ cho người dân phát triển sinh kế. "Nhờ đó đến cuối năm 2022, toàn xã đã có 222 hộ thoát nghèo, giảm trên 43% tổng số hộ nghèo so với đầu năm" - ông U Lý kể.
Trong những năm qua, hàng trăm hộ dân xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy cũng tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Bà Trần Thị Phụng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re, cho biết những hộ xin thoát nghèo đều rất cố gắng vươn lên, ý thức thay đổi rõ rệt.
Tương tự, ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, cho biết đặc điểm chung là các hộ xin thoát nghèo ở xã đều còn rất trẻ, chịu khó làm ăn. Khi được vay vốn để trồng dược liệu, tăng thu nhập thì tự xin ra khỏi hộ nghèo. Chính quyền sau khi nhận đơn đã thẩm định, thấy bảo đảm tiêu chí thoát nghèo nên đã có quyết định công nhận.
Không có hộ tái nghèo
Theo chính quyền địa phương ở tỉnh Kon Tum, đối với các hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên theo dõi, quan tâm xem việc xin thoát nghèo có bền vững, có tái nghèo hay không để có những biện pháp quan tâm, động viên, khuyến khích phù hợp. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của chính quyền nơi đây, chưa có hộ nào sau khi xin thoát nghèo lại tái nghèo. Từ khi xin thoát nghèo đến nay thì kinh tế đã khá hơn rất nhiều.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)