Về kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định 15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và môi trường. Qua rà soát kết quả thực hiện, dự báo có 10/15 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 đạt 6,63%, năm 2022 đạt 7,17%, dự kiến năm 2023 đạt 7,2%.
Sản xuất nông nghiệp đang được đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện. Đến nay, huyện Cam Lộ và 69 xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 81/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cánh đồng điện gió ở miền núi tỉnh Quảng Trị
Công nghiệp điện năng có bước phát triển mạnh mẽ, đã có 19 dự án điện gió được phát điện, hòa điện lưới quốc gia, vận hành thương mại, nâng tổng công suất phát điện thương mại trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.000 MW…
Hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được chú trọng đầu tư. Các hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây với nhiều dự án trọng điểm đang được khởi động, hoàn thành các thủ tục để khởi công, thi công và kêu gọi đầu tư như Cảng nước sâu Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị, đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Quốc lộ 15D. Khu kinh tế thương mại biên giới chung Lao Bảo - Densavan đang được nghiên cứu, các liên kết mở rộng không gian phát triển về phía Tây đang từng bước được hình thành.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại chuyến khảo sát thực địa các dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Trị vào tháng 7-2023
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm lo người nghèo, người yếu thế trong xã hội, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô có những chuyển biến tích cực. Hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc người có công thiết thực, ý nghĩa và hiệu quả.
Tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân gắn với phát triển phong trào thể dục thể thao… luôn được chú trọng. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, thực hiện đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, chủ quyền, biên giới quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại được mở rộng, hiệu quả nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương.
Thiện khá tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát có nhiều tiến bộ, tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và những vấn đề bức xúc, dư luận đặt ra, những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi vào nền nếp. Tổ chức bộ máy chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên...
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng kiểm tra tình hình triển khai dự án Khu công nghiệp Quảng Trị 1. (Ảnh: TT)
Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đã đạt được, báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã chỉ ra một số hạn chế, khó khăn cần quan tâm khắc phục.
Đơn cử như kinh tế còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế có khả năng không đạt chỉ tiêu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; một số chỉ tiêu quan trọng như giá trị công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, huy động vốn đầu tư... đạt thấp.
Việc thực hiện các khâu đột phá về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ chuyển biến chưa nhiều. Các động lực phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ chưa được phát huy; các tiềm năng, lợi thế của Hành lang kinh tế Đông - Tây chưa được khai thác hiệu quả; các dự án lớn đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội chậm được thực hiện.
Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, biên giới, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở một số địa phương, đơn vị còn có mặt hạn chế…
Để khắc phục các hạn chế, khó khăn, tỉnh Quảng Trị đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung chỉ đạo, thực hiện. Đó là, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo trong toàn Đảng bộ tỉnh; đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, nhất là đối với 5 chỉ tiêu dự báo khó đạt...
Ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị - tặng quà cho gia đình thương binh ở TP Đông Hà. (Ảnh: T.P)
Tập trung hoàn chỉnh hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo triển khai có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo đúng định hướng, trong đó, chú trọng tạo sự bứt phá rõ nét trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư tư. Trong đó, ưu tiên sớm triển khai thi công các dự án giao thông có tính kết nối, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh như Khu bến cảng Mỹ Thủy, Quốc lộ đường 15D, đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, đường tránh phía đông TP Đông Hà, Cảng hàng không Quảng Trị...
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Chỉ đạo phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường quốc phòng, an ninh,đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; chăm lo toàn diện công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Bình luận (0)