Sau khi kết thúc giai đoạn 3, do thời tiết bất lợi nên từ ngày 25-11 đến nay, hoạt động tìm kiếm 11 công nhân mất tích ở công trình thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn tạm dừng. Dự kiến, khi thời tiết thuận lợi, việc tìm kiếm ở giai đoạn 4 sẽ được triển khai ở khu vực lòng sông Rào Trăng kéo dài tầm 2,5 km đến ngã ba suối Tâm Dần.
Chậm đánh giá hiện trạng
Ông Lê Văn Hoa, người nắm cổ phần nhiều nhất của Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 (chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3), cho biết đang thương thảo với đối tác để đánh giá lại toàn bộ hiện trạng công trình theo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Việc đánh giá không đáp ứng được mốc thời điểm kết thúc vào ngày 5-12 như yêu cầu của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lực lượng quân đội chặn dòng sông tìm kiếm các công nhân bị chôn vùi
"Việc sạt lở xảy ra ở khu vực tạm, còn thân đập và nhà máy rất an toàn. Hiện công trình đã cơ bản hoàn thành xây dựng nên chắc chắn sẽ tiếp tục hoàn thiện để hoạt động trong thời gian tới" - ông Hoa khẳng định.
Vụ sạt lở đất vào ngày 12-10 tại thủy điện Rào Trăng 3 đã khiến 17 công nhân gặp nạn, đến nay 6 thi thể đã được tìm thấy. Từ khi xảy ra sự cố, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhiều đợt huy động, tăng cường lực lượng tham gia phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quân khu 4 và các đơn vị liên quan để thực hiện công tác tìm kiếm. Thượng tá Trần Văn Lâu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, là một trong những người đầu tiên tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đất kinh hoàng này.
Với hàng triệu mét khối đất đá bị sạt lở, trung bình mỗi ngày có gần 200 người, bao gồm lực lượng quân đội, công an và khoảng 15 máy xúc được Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế điều động đến để tìm kiếm. Trong suốt hơn 40 ngày cứu hộ, cứu nạn ở Rào Trăng 3, hình ảnh các người lính thường lấm lem bùn đất bởi ngày ngày họ phải dầm mình trong mưa nắng, trong nước để tìm thi thể những người xấu số.
Ông Hoàng Văn Hưng (SN 1977; quê tỉnh Thanh Hóa), công nhân lái máy ủi của Công ty CP 484, kể: Từ ngày 13-10, ông cùng với 2 công nhân khác được điều động tới xử lý điểm sạt lở ở Tỉnh lộ 71 để các lực lượng cứu hộ, cứu nạn vào tìm kiếm 13 liệt sĩ hy sinh tại Trạm Kiểm lâm 67, cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 10 km. Kể từ đó đến khi kết thúc công tác tìm kiếm giai đoạn 3 vào ngày 25-11, ông Hưng cùng với 2 đồng nghiệp thay nhau "ôm" một chiếc xe múc. Tối về thủy điện Rào Trăng 4 ngủ, sáng lên lại Rào Trăng 3. Họ cẩn thận điều khiển máy để đào xới kỹ càng từng mảng đất ở đống đổ nát lên tới hàng triệu mét khối với tâm nguyện tìm ra được những thi thể nạn nhân mất tích để đưa về với gia đình.
"Chúng tôi sẽ trở lại"
Anh Thái Trung Phước, công nhân Công ty CP Đường bộ 2, cũng liên tục có mặt tìm kiếm 13 liệt sĩ hy sinh tại Trạm Kiểm lâm 67 và 17 công nhân gặp nạn tại thủy điện Rào Trăng 3, kể từ khi xảy ra sự việc. Máy xúc của anh Phước bánh lốp nên anh được phân công nhiệm vụ san gạt thông đường Tỉnh lộ 71 sau mỗi lần sạt lở, vận chuyển nhu yếu phẩm và thi thoảng tham gia đào xới tìm kiếm.
"Lúc đầu chúng tôi vào làm việc buổi tối xong trở ra UBND xã Phong Xuân ngủ, về sau về nghỉ ngơi tại thủy điện Rào Trăng 4. Khi mới nghe công ty điều động cũng lo sợ lắm nhưng lên đây thì thấy bình thường. Chúng tôi sẽ trở lại khi giai đoạn 4 được triển khai" - anh Phước chia sẻ.
Trong giai đoạn 3 tìm kiếm, các lực lượng phải đắp đập ngăn dòng Rào Trăng và đào tạm một con sông tạo hướng chảy mới. Để ngăn được con đập này, trong suốt 5 ngày liền, lực lượng quân đội, cứu hộ, cứu nạn đã rời nơi nghỉ ngơi ở thủy điện Rào Trăng 4 rất sớm sau bữa cơm vội.
Tiếng máy xúc, máy ủi rền vang đầy khẩn trương đào đắp. Ngay dưới vị trí sạt lở nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, 16 cán bộ chiến sĩ cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn sau 15 nghỉ ngơi đã nhanh chóng bắt tay tiếp tục công việc bơm, hút nước ở lòng sông. Trong khi đó, các lực lượng khác tập trung vận chuyển rọ đá, lưới B40, bạt phủ... đến vị trí tập kết để nắn dòng.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định còn 11 thi thể chưa tìm thấy, đây vẫn là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Chính quyền và lực lượng vũ trang phải xem đây là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với người dân để tiếp tục thực hiện công tác tìm kiếm giai đoạn 4 với tinh thần cao nhất.
Huy động hơn 7.600 lượt người tìm kiếm
Ông Phan Ngọc Thọ đánh giá cao nỗ lực của các lực lượng tham gia từ ngày 13-10 cho đến nay. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Chỉ huy tiền phương, trực tiếp là Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trì phối hợp, hiệp đồng với Công an, Biên phòng và các lực lượng của địa phương đã ra sức tìm kiếm với hơn 7.600 lượt người; hơn 1.900 lượt phương tiện.
Bình luận (0)