Phản ánh đến Báo Người Lao Động, nhiều người dân sinh sống dọc sông Tiên (huyện Tiên Phước) bày tỏ lo lắng khi nhiều năm trở lại đây, nguồn nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do hoạt động khai thác vàng trái phép tại xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) ở đầu nguồn.
Dân không dám uống "nước sạch"
Nếu như hầu hết các con sông đều chảy từ Tây sang Đông thì ngược lại sông Tiên ở huyện Tiên Phước khởi nguồn từ phía Đông chảy ngược về Tây, đi qua các làng xã, núi đồi của miền quê trung du Tiên Phước rồi mới nhập vào thượng nguồn sông mẹ Thu Bồn, xuôi về biển cả. Tự bao giờ, "sông Tiên nước chảy ngược dòng" đi vào thơ ca, trở thành biểu tượng gắn với hình ảnh đất và người Tiên Phước. Dù vậy, vài năm trở lại đây, dòng sông Tiên đang bị đầu độc bởi hoạt động khai thác vàng trái phép ở thượng nguồn.
Dòng nước sông Tiên đoạn chảy qua thị trấn Tiên Kỳ đục ngầu, tại đây Nhà máy Nước Tiên Phước lấy nước xử lý để cung cấp cho người dân trên địa bàn huyện sử dụng
Có mặt tại sông Tiên ở thị trấn Tiên Kỳ mới đây, chúng tôi ghi nhận dòng nước sông đục ngầu, ô nhiễm nặng. Điều đáng nói, nước tại đây lại là nguồn duy nhất cung cấp cho Nhà máy Nước Tiên Phước với công suất 15.000 m3/ngày đêm để cấp nước sinh hoạt cho người dân thị trấn Tiên Kỳ và các xã Tiên Mỹ, Tiên Thọ, Tiên Châu, Tiên Cảnh.
Theo người dân, tình trạng nước sông Tiên ô nhiễm xảy ra đã lâu nhưng nghiêm trọng hơn vào 7-8 năm nay, kể từ khi Công ty Vàng Bồng Miêu dừng hoạt động. Do mỏ vàng Bồng Miêu không được quản lý chặt chẽ, nạn khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ. Người làm vàng trái phép thường sử dụng hóa chất xyanua kịch độc để lọc lấy vàng rồi xả thẳng ra môi trường. Sau những trận mưa lớn, đất đá, hóa chất chảy xuống sông Tam Lãnh rồi chảy về sông Tiên, sông Quế Phương ở huyện Tiên Phước, gây ra tình trạng nước sông chuyển màu vàng đục đậm đặc, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân địa phương liên tục phản ánh đến các cấp chính quyền nhưng tình hình chưa cải thiện. "Nước sông Tiên đục ngầu thế này lại là nguồn nước cung cấp cho Nhà máy Nước để xử lý cho người dân sử dụng. Thực tế người dân ở đây không ai dám dùng nước này để uống vì sợ nhiễm bệnh. Họ chỉ dùng để tắm rửa, tưới cây" - bà Nguyễn Thị Minh (trú thị trấn Tiên Kỳ), lo ngại.
Nhiều người dân tại xã Tiên Lộc cho biết hiện nay bà con trên địa bàn xã vẫn đang sử dụng nguồn nước giếng đào, họ rất lo lắng nguồn nước ngầm bị nhiễm chất độc do nguồn nước sông Tiên bị nhiễm hóa chất. Trong khi đó, một người dân đánh cá trên sông Tiên nói rằng vài năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản trên sông bị suy giảm trầm trọng, lâu lâu họ lại chứng kiến cảnh cá chết nổi trắng không rõ nguyên nhân. Trước đây, có nhiều người mưu sinh trên sông Tiên nhưng nay phải bỏ nghề vì cá tôm khan hiếm.
Liên tục kiến nghị
UBND huyện Tiên Phước đã liên tục có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng ô nhiễm sông Tiên.
Theo báo cáo của UBND huyện, tình trạng khai thác, chế biến vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh gây ô nhiễm đến nguồn nước sông Quế Phương và sông Tiên thường xuyên xảy ra, khiến cá chết; trâu, bò của nhân dân uống nước sông bị bệnh; đất sản xuất dọc bờ sông bị ô nhiễm. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, nguồn nước cung cấp cho Nhà máy Nước Tiên Phước bị ô nhiễm, nhân dân rất hoang mang và không sử dụng nước của nhà máy.
"Sự bức xúc, lo lắng của người dân đã diễn ra thường xuyên nhiều năm qua. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân huyện Tiên Phước đã có nhiều ý kiến phản ánh và đề nghị với đại biểu quốc hội và HĐND các cấp giải quyết một cách quyết liệt, chấm dứt tình trạng trên" - báo cáo của UBND huyện Tiên Phước nêu.
UBND huyện Tiên Phước đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND huyện Phú Ninh khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh; xử lý nguồn thải từ các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trước khi xả chất thải vào sông Bồng Miêu (đầu nguồn sông Quế Phương và Sông Tiên).
Ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cho biết tình trạng ô nhiễm sông Tiên và sông Quế Phương đã gây lo lắng, bức xúc đối với chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện trong thời gian dài. Sau các văn bản kiến nghị của huyện, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng truy quét nhưng chỉ được một thời gian thì tình trạng khai thác vàng trái phép tại Bồng Miêu lại diễn ra rầm rộ. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đang triển khai đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu và hy vọng sau khi mỏ vàng này được "đóng lại" thì tình trạng khai thác vàng trái phép mới có thể được xử lý dứt điểm. Từ đó, các dòng sông mới mong được "cứu".
Nước lấy từ sông Tiên "nằm trong ngưỡng cho phép"
Ông Trầm Quế Hương cho biết trước lo lắng của người dân và chính quyền địa phương về nguồn nước sông Tiên cung cấp cho Nhà máy Nước Tiên Phước với công suất 15.000 m3/ngày đêm để cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn bị ô nhiễm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần lấy mẫu phân tích và khẳng định các thông số đều nằm trong ngưỡng cho phép. "Sở nhiều lần kiểm tra và trả lời kết quả như vậy, về phía huyện cũng đã tuyên truyền cho người dân. Tuy nhiên, thực tế người dân trên địa bàn huyện không dám sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước sạch để uống vì tâm lý lo sợ ảnh hưởng tới sức khỏe" - ông Hương nói.
Bình luận (0)