Phát biểu tại hội thảo Quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sông tỉnh Quảng Nam theo hướng sinh thái và bền vững vào ngày 25-6 vừa qua, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho hay Quảng Nam hội tụ đầy đủ điều kiện, lợi thế vùng đất ven sông, ven biển để phát triển đô thị và du lịch sinh thái. Sau 25 năm tách tỉnh, hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh đã có bước đột phá. Các địa phương cũng đã tích cực học tập, đúc kết kinh nghiệm từ nhiều thành phố trên cả nước, nước ngoài để xây dựng đô thị theo hướng bền vững. Ông Cường cho rằng nếu được quy hoạch, phát triển đúng hướng, bền vững, sẽ giúp Quảng Nam đi trước đón đầu, duy trì nhịp độ phát triển.
Quảng Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị ven sông, ven biển theo hướng sinh thái nhưng cũng đối diện nhiều thách thức. Trong ảnh: TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa lũ
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay địa phương có bờ biển dài 125 km, tuy thuận lợi cho phát triển du lịch nhưng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, bão tố. Sông Cổ Cò, Trường Giang chạy gần như song song với biển tuy êm đềm nhưng lại góp phần hạn chế việc thoát lũ, gây ngập lụt cho các đô thị trong mùa mưa. Trong khi đó, hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn chảy từ Tây sang Đông vào mùa mưa lũ gây ngập lụt, xói lở nghiêm trọng cho hạ du.
Làm thế nào để khai thác được những lợi thế của biển, của sông nhưng chống chịu được với thiên tai, bão tố, diễn biến xâm nhập mặn của biến đổi khí hậu, giải quyết được bài toán thiếu nước ngọt ở khu vực vùng cát ven biển để phát triển thành các khu đô thị sinh thái xứng tầm, đóng góp vào chuỗi phát triển đô thị của miền Trung? Câu hỏi này được người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Nam đặt ra và nhận được nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế của các đại biểu dự hội thảo.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng Quảng Nam muốn phát triển đô thị theo hướng sinh thái, bền vững thì phải bảo đảm tốt nhất đời sống cho người dân trong đô thị cũng như nông thôn. Ông cho rằng cần điều tiết các dòng sông bằng hệ thống đập, tạo dòng chảy thoát lũ làm sao để các đô thị, làng mạc không nằm trong vùng bị xói lở, lũ lụt. Còn về đô thị ven biển, rút kinh nghiệm từ Cửa Đại, Quảng Nam cần tính toán, có phương án kỹ thuật để chống chọi và tổ chức không gian đô thị biển ra sao để phù hợp với biến đổi khí hậu.
Còn theo TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Quảng Nam cần xác định rõ các mối quan hệ giữa chùm đô thị du lịch biển Hội An - Điện Bàn với chuỗi đô thị ven biển Nam Trung Bộ, kéo dài từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Định vị rõ vị trí, vai trò của Hội An - Điện Bàn trong kế hoạch chung của toàn chuỗi và chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Từ đó xác định được tính chất đô thị, quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế, trình độ phát triển đô thị. Xem xét mở rộng chùm đô thị du lịch biển Hội An - Điện Bàn sang địa bàn huyện Duy Xuyên, Thăng Bình nhằm khai thác nguồn tài nguyên biển khu vực này.
Quảng Nam cũng cần nghiên cứu phân bố các cơ sở lưu trú phù hợp, tránh tập trung một chỗ làm quá tải hạ tầng, giảm sút chất lượng phục vụ. Trong điều kiện cho phép, cần quy hoạch khu vực dịch vụ, vui chơi - giải trí riêng biệt, ít ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân để bảo đảm hoạt động du lịch có thể diễn ra 24/24 giờ, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm đô thị…
Bình luận (0)