UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất đến năm 2045 với diện tích khoảng 45.332 ha. Trong đó, diện tích đất liền khoảng 33.581 ha, diện tích đảo Lý Sơn khoảng 1.492 ha, diện tích mặt nước khoảng 10.711 ha…
3 "điểm nhấn"
Theo quy hoạch nêu trên, trong thời gian tới, trọng tâm phát triển của tỉnh Quảng Ngãi là đưa KKT Dung Quất trở thành trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp nặng. KKT Dung Quất sẽ có các ngành chủ đạo: luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu.
Một lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất cho biết mục tiêu quy hoạch trong thời gian tới là biến KKT này thành trung tâm kinh tế biển năng động với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển...
Trong thời gian tới, Khu Kinh tế Dung Quất sẽ là trung tâm kinh tế biển năng động với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực
"Ngoài ra, KKT Dung Quốc còn là nơi phát triển về đô thị; trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa, giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên" - vị này nhấn mạnh.
Đáng chú ý, cũng theo quy hoạch nêu trên, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Lý Sơn, đưa huyện đảo này trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trong giai đoạn 2036 - 2045 và có sân bay riêng rộng khoảng 153 ha.
Một cán bộ tham gia quy hoạch cho biết để thực hiện mục tiêu đưa Lý Sơn trở thành thành phố biển, trước hết, tỉnh Quảng Ngãi sẽ định hướng phát triển đô thị tại đây. Phấn đấu đến năm 2025, Lý Sơn sẽ đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV, đến giai đoạn 2026 - 2035 đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Theo bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, định hướng phát triển địa phương này được Thủ tướng phê duyệt trong thời gian tới nổi bật với vùng cảnh quan đô thị biển đảo. Theo đó, Đảo Lớn phát triển các khu đô thị ở phía Nam theo hướng tiếp cận trực tiếp bờ biển, phát triển các khu sinh thái biển, những hoạt động vui chơi cao cấp và đặc sắc; cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, bảo tồn không gian phố cổ; hình thành những tuyến phố đi bộ, phố du lịch; phát triển các công trình hỗn hợp đa chức năng trên cơ sở sử dụng tiết kiệm quỹ đất. Đảo Bé phát triển các khu dân cư mới theo hướng kết hợp nhà ở và khai thác phục vụ du lịch; định hướng phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm vóc quốc tế; khai thác, sử dụng bền vững không gian và tài nguyên biển phục vụ du lịch...
Ngoài 2 "điểm nhấn" là KKT Dung Quất và Lý Sơn, theo quy hoạch, khu vực lân cận là huyện Bình Sơn cũng được phát triển thành thành phố trực thuộc tỉnh trong giai đoạn 2036 - 2045.
Triển khai nhiều dự án lớn
Thực tế, trong những năm qua, để từng bước phát triển cơ sở hạ tầng, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức khởi công và chuẩn bị khởi công hàng loạt dự án trọng điểm với số tiền đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.
Cụ thể, đó là tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2b, dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi; hoàn thành việc thi tuyển kiến trúc và chuẩn bị khởi công dự án cầu Trà Khúc 1, cầu Trà Khúc 3, đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong… Với đường cao tốc Bắc - Nam, đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao khoảng 50/60,3 km chiều dài mặt bằng để thi công tuyến chính.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết ngoài những dự án, công trình lớn đã và chuẩn bị khởi công, những năm qua, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh sao cho thật sự thông thoáng, thân thiện với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đến nay, tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh là 7.045. Quảng Ngãi cũng đã đầu tư xây dựng hơn 1.240 dự án, công trình quan trọng; thu hút 61 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn hơn 1.988 triệu USD; 663 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 378.853 tỉ đồng.
Ông Đặng Văn Minh khẳng định: "Đây là động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp. Thu ngân sách nhà nước ngày càng tăng, góp phần đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh có nguồn thu thấp (từ năm 2005 về trước) trở thành địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương. Giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất - nhập khẩu chiếm hơn 80% GRDP của tỉnh, giúp Quảng Ngãi bứt phá mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực".
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát huy những kết quả đã đạt được, huy động mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Quảng Ngãi cũng sẽ tập trung đổi mới để thu hút các nguồn lực; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh để môi trường đầu tư - kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, năng động, luôn là điểm đến hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế.
Tầm nhìn và khát vọng
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất khá công phu, thể hiện rõ tầm nhìn của Chính phủ và khát vọng của địa phương. Quy hoạch này khá hiện thực, với tăng trưởng xanh và bền vững bao trùm; tất cả người dân Quảng Ngãi đều được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng và phát triển của KKT Dung Quất.
Bình luận (0)