Khu rừng này có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai và được xem như "lá phổi" xanh.
Tháng 9-2021, chúng tôi đến Rú Chá khi cây đước, cây sú đang mùa rụng lá khiến cả cánh rừng toát lên màu trắng của cây, màu vàng của lá đầy mê hoặc, đẹp đến lạ lùng. Nhiều người dân bản địa, một số nhà nhiếp ảnh đã tìm tới đây để thực hiện các bộ ảnh.
Rú Chá như nổi tiếng hơn, thu hút hơn khi mới đây, tác phẩm "Đánh cá ở rừng ngập mặn" của nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung vừa giành giải nhất ở hạng mục Con người tại cuộc thi ảnh danh giá Drone Photo Awards 2021. Chắc hẳn nhiều vị khách phương xa đang ngày đêm mong chờ dịch Covid-19 sớm qua đi để họ được một lần ghé Rú Chá.
Một góc Rú Chá
TS Phạm Ngọc Dũng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên - Huế), người gắn bó nhiều năm với các dự án trồng rừng ngập mặn, rừng trên cát ở địa phương này - cho biết diện tích rừng ngập mặn Rú Chá dù chỉ 3,83 ha, không đa dạng về thành phần loài nhưng có vai trò, giá trị rất quan trọng đối với hệ sinh thái đất ngập nước. Khu rừng nguyên sinh quý hiếm này còn là "bức tường xanh" giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo vệ đê điều và tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Hiện Rú Chá được mở rộng diện tích thêm 18,07 ha, gồm các loài đước, sú, vẹt, bần chua… nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang và trước xu thế bảo vệ môi trường, dân cư, các công trình trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, bão, lũ diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Mở rộng diện tích Rú Chá là điều tất yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Hương Phong mà còn nhiều địa phương vùng đầm phá, ven biển của tỉnh.
Năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt đề án phát triển rừng ngập mặn tại xã Hương Phong với nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt 21,9 ha rừng ngập mặn hiện có, bảo vệ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Cụ thể, mục đích của đề án là xác định diện tích có khả năng trồng cây ngập mặn theo các phương thức khác nhau; xác định cơ cấu bố trí loài cây, phương thức trồng hợp lý cho từng khu vực; trồng mới 232,84 ha rừng ngập mặn nhằm nâng cao khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo điều kiện để phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, góp phần đưa kinh tế - xã hội của xã Hương Phong phát triển nhanh, bền vững.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của đề án là xây dựng khu vườn thực vật ngập mặn với khoảng 30 loài chủ yếu, đặc trưng của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo về thực vật, hệ sinh thái rừng ngập mặn cho học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đề án sẽ xây dựng "bảo tàng gien" các loài thực vật ngập mặn ở miền Trung như cây cóc trắng, cóc đỏ; thường sinh sống ở miền Nam; vẹt dù dở miền Bắc… Mục đích nhằm bảo tồn nguồn gien cây rừng ngập mặn hiện có để phục vụ nghiên cứu khoa học, tạo điểm nhấn hấp dẫn phục vụ du lịch sinh thái...
Bình luận (0)