Việc nhốt gia súc, gia cầm chờ mổ cộng với việc vận chuyển ra vào trung tâm đã gây mùi hôi thối, phát tán ra khu dân cư khiến người dân khổ sở.
Ông Giáp Thanh Lâm (người dân tổ 45) cho hay tại lò mổ còn có cống xả đưa ra ngoài một hồ nước bỏ hoang cạnh khu dân cư khiến mùi hôi càng thêm nồng nặc. Cũng theo ông Lâm, người dân kiến nghị đã nhiều lần và cũng nghe về thông tin di dời lò mổ. Tuy nhiên, cư dân nói mãi mà chẳng thấy di dời nên họ cũng chán.
Lò mổ Đà Sơn hoạt động cạnh khu dân cư gây ô nhiễm
Ông Cao Văn Thương, tổ trưởng tổ dân phố 45, cho biết lò mổ hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng. Thời gian hoạt động cao điểm là khoảng từ 0 giờ đến 3 giờ. Ban đêm xe chở gia súc như heo, bò về lò để giết mổ rồi bắt đầu chở thịt đi phân phối khắp thành phố. "Trong thời gian từ 0 giờ trở đi thì ô nhiễm tiếng ồn, xe ra vào khiến người dân xung quanh đây mất ngủ" - ông Thương nhấn mạnh.
Ông Thương cho biết khu dân cư trải dài trên đường Đà Sơn 2 với khoảng 150 hộ đều bị ảnh hưởng. Nhiều hộ nằm sát vách lò mổ thì bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Bên trong lò mổ có hố ga lớn, dù đã được che chắn khá kỹ lưỡng nhưng vẫn bốc mùi.
Mới đây, UBND quận Liên Chiểu đã kiểm tra thực tế và nhận thấy khu vực giết mổ có nhà xưởng hở xung quanh. Quá trình giết mổ sẽ bốc mùi từ phân, lông gia súc nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nơi nhốt gia súc trước khi vào giết mổ, nếu vệ sinh không thường xuyên cũng sẽ bốc mùi gây ô nhiễm. Đoàn kiểm tra của quận đã yêu cầu lò mổ tăng cường dọn vệ sinh chuồng trại, nơi giết mổ không để ứ đọng chất thải gây mùi hôi.
Về công tác di dời, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Công Thương và các đơn vị liên quan khảo sát thực tế mô hình Trung tâm chế biến gia súc, gia cầm tại TP HCM, Long An, Đồng Nai… và đang nghiên cứu xây dựng đề án "Trung tâm chế biến gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn TP Đà Nẵng". Dự kiến, đề án sẽ được phê duyệt trong quý II/2023 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Bình luận (0)