TP Đà Nẵng chủ trương xây dựng 2 dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại với công suất 650 tấn và 1.000 tấn/ngày từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được khởi công trong khi bãi rác Khánh Sơn liên tục đối diện nguy cơ quá tải, phải mở thêm hộc rác.
Mãi nằm trên giấy
Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng, cho hay theo quy hoạch định hướng của thành phố được Thủ tướng phê duyệt thì tổng lượng chất thải rắn đến năm 2030 là 2.510 tấn/ngày. Trong đó, chất thải sinh hoạt là 1.700 đến 1.800 tấn. Trên cơ sở này, 2 dự án nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại ở Đà Nẵng được thuận chủ trương xây dựng. Đó là Nhà máy Đốt rác phát điện công suất 650 tấn/ngày (gọi tắt là nhà máy 650 tấn) và Nhà máy Xử lý rác sinh hoạt quy mô 1.000 tấn/ngày (nhà máy 1.000 tấn).
Trong khi chờ đợi 2 dự án xử lý rác thì Đà Nẵng vẫn phải xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp
Theo đó, dự án nhà máy 650 tấn/ngày có chủ trương đầu tư từ năm 2010. Tuy nhiên, sau không ít thay đổi, đến năm 2023, dự án được điều chỉnh lần 3 cho nhà đầu tư là Công ty CP Môi trường Việt Nam, với dự kiến hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong quý III-2026. Ông Chương cho hay lần thay đổi này có điều chỉnh về công nghệ xử lý. Trước đây, dự án được phê duyệt theo công nghệ của Hồng Kông (Trung Quốc) cùng một số loại công nghệ khác. Nay, thành phố phê duyệt chủ trương sử dụng đốt lò ghi cơ học của Đức. "Trước sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, nhà đầu tư đang triển khai hàng loạt giải pháp như lập quy hoạch chi tiết 1/500, trình hồ sơ thẩm định công nghệ, lập hồ sơ môi trường, cấp phép về cao độ tĩnh không, đấu nối điện, khai thác nước, thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng để nhanh chóng xây dựng dự án này" - ông Chương nói.
Đà Nẵng đang tính toán xây dựng thêm hộc rác số 7 để tiếp nối hộc rác số 6 nhằm xử lý bằng công nghệ chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn
Riêng dự án nhà máy 1.000 tấn, ban đầu TP Đà Nẵng dự kiến thực hiện trong 3 năm - đến năm 2023. Sở TN-MT thông tin đây là dự án PPP, được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư. Hiện đã được UBND TP Đà Nẵng lập hội đồng thẩm định để thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, theo ông Chương, về mặt hình thức và quy định của pháp luật thì dự án PPP "rất ổn", nhưng việc thực hiện dự án không hề đơn giản và cả nước đến nay chưa có bất kỳ dự án PPP nào về xử lý rác thải sinh hoạt hoàn thiện và đi vào hoạt động. "Vì vậy, lãnh đạo thành phố có chủ trương trong trường hợp xấu nhất là không thể triển khai được theo hình thức PPP thì thành phố hoàn toàn chủ động kêu gọi đầu tư bằng các phương pháp khác theo quy định để đáp ứng đúng lộ trình về xử lý chất thải rắn của địa phương" - ông Chương nói.
Không thể không chôn lấp
Trước thực tế các nhà máy xử lý rác chưa thành hình, để đáp ứng nhu cầu, hồi đầu tháng 5, TP Đà Nẵng bắt đầu đưa vào vận hành hộc rác số 6 tại bãi rác Khánh Sơn. Bãi rác này là nơi duy nhất xử lý rác của toàn thành phố bằng công nghệ chôn lấp. Các hộc rác từ 1 đến 5 của bãi rác đã chính thức dừng hoạt động. Hộc rác số 6 dự kiến tiếp nhận và xử lý rác của TP Đà Nẵng trong khoảng 16 tháng. Trong khi đang vận hành hộc rác này thì ngành chức năng Đà Nẵng đã bắt đầu tính toán về việc đầu tư thêm hộc rác. Cụ thể, tháng 10-2023, Sở TN-MT đã trình UBND TP Đà Nẵng, thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án hộc rác số 7. Đây là dự án nhóm B, công trình hạ tầng kỹ thuật đặc biệt có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25 tỉ đồng.
Lý giải về việc đầu tư dự án này, ông Chương cho hay việc đầu tư dự án là tiếp cận ở góc độ khác khi hộc rác số 7 giải quyết "đa mục tiêu". Nói rõ thêm, hiện nay tất cả đô thị tiên tiến trên thế giới không có bất cứ quốc gia nào, dù công nghệ hiện đại đến đâu cũng không thể không có khu vực chôn lấp rác. Theo thống kê ở các khu vực ở châu Âu thì tỉ lệ chôn lấp rác trung bình đến cuối năm 2020 là 18%. Trong đó, Pháp là 22%, thấp nhất là Đan Mạnh 1%. "Hiện trong thời gian chờ nhà máy 650 tấn đến quý III/2026 theo dự kiến thì vẫn phải có chỗ để xử lý nguồn rác thải hằng ngày, bảo đảm an ninh nguồn rác. Vì vậy, việc đầu tư hộc rác số 7 là cần thiết. Bên cạnh đó, giả sử khi nhà máy xử lý rác hoàn thành, vận hành gặp sự cố thì thành phố vẫn có phương án dự phòng. Tức là đưa rác về bãi rác Khánh Sơn. Không thể để rác sinh hoạt lưu cữu trong khu vực của đô thị được" - ông Chương nhấn mạnh.
Bảo đảm khoảng cách
Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho hay lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo bảo đảm khoảng cách an toàn môi trường đối với Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn (bao gồm bãi rác Khánh Sơn và 2 nhà máy trên). Các sở, ngành gồm Sở Xây dựng, Sở TN-MT, UBND quận Liên Chiểu, cùng Ban Quản lý dự án hạ tầng và phát triển đô thị... triển khai các phương án giải tỏa đền bù tạo khoảng cách an toàn môi trường 2 giai đoạn đầu tư gồm 500 m và 1.000 m, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong khoảng cách an toàn môi trường, TP Đà Nẵng sẽ kêu gọi đầu tư các lĩnh vực ít khả năng bị ảnh hưởng môi trường như: trạm điện, kho bãi, logistics...
Bình luận (0)