Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa tổ chức lễ công bố thành lập Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải - THACO INDUSTRIES với vốn đầu tư hơn 550 triệu USD, khánh thành Trung tâm Cơ khí hơn 100 triệu USD và khởi công xây dựng Trung tâm R&D hơn 20 triệu USD.
Quyết tâm của THACO
THACO INDUSTRIES được đầu tư trên diện tích 120 ha, hơn 6.500 nhân sự, thực hiện chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với quy mô lớn, đầu tư đồng bộ, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ; cung cấp các giải pháp công nghiệp theo chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu và phát triển sản phẩm - gia công và chế tạo - lắp đặt - chuyển giao - vận hành và bảo trì… thông qua các hình thức tự sản xuất và hợp tác liên kết, liên doanh với đối tác trong và ngoài nước.
THACO INDUSTRIES sản xuất các sản phẩm gồm sơ mi rơ moóc, thiết bị công nghiệp, thiết bị nông nghiệp, linh kiện phụ tùng ôtô, linh kiện phụ tùng ngoài ngành ôtô, nguyên vật liệu và gia công cơ khí theo công đoạn của quy trình công nghệ sản xuất theo yêu cầu khách hàng.
Bên trong các nhà máy cơ khí của Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải - THACO INDUSTRIES
Tại hội thảo hợp tác sản xuất, gia công ngành cơ khí để kêu gọi các doanh nghiệp (DN) tham gia vào chuỗi sản xuất của THACO do UBND tỉnh Quảng Nam và THACO phối hợp tổ chức tháng 10-2021, khi đó ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, chia sẻ triết lý của THACO là làm thật, tạo ra giá trị thật và làm một cách bài bản từ thấp lên cao, từ nhỏ đến lớn và chọn lựa các mục tiêu. Ông nói rằng tổ chức hội thảo không phải làm phong trào, để đánh bóng mà làm với trách nhiệm để phát triển ngành cơ khí, CNHT.
Nhắc đến sự kiện trên, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng THACO INDUSTRIES ra đời một lần nữa khẳng định quyết tâm và sự kiên định của THACO trong thực hiện chiến lược phát triển cơ khí và CNHT với quy mô lớn, tạo động lực phát triển ngành cơ khí và CNHT của tỉnh Quảng Nam và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo ông Thanh, sau gần 20 năm đầu tư vào Khu Kinh tế (KKT) mở Chu Lai, đến nay, THACO Chu Lai đã trở thành biểu tượng công nghiệp, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là đóng vai trò "hạt nhân", động lực phát triển của KKT mở Chu Lai.
Với chiến lược gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất lắp ráp ôtô, THACO đã đầu tư phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ từ rất sớm, đến nay đã phát triển hàng chục nhà máy, tổ hợp sản xuất với công nghệ hiện đại, sản phẩm đa dạng.
Đặc biệt, sau tái cấu trúc, thực hiện chiến lược đa ngành, THACO đã xác định cơ khí và CNHT là ngành sản xuất kinh doanh chính, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất; đồng thời xác định vai trò trụ cột, tiên phong liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng chuỗi sản xuất, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Gần đây, THACO cũng đã xuất khẩu rất nhiều sản phẩm cơ khí và linh kiện phụ tùng sang thị trường khu vực và thế giới, đặc biệt là các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, châu Âu.
"Tôi đánh giá rất cao tầm nhìn và tâm huyết của Tập đoàn THACO khi tiên phong đầu tư vào một lĩnh vực được xem là ngành công nghiệp "xương sống", nền tảng của nền kinh tế, thể hiện trách nhiệm của doanh nhân - doanh nghiệp đầu tàu đóng góp phát triển kinh tế của tỉnh và đất nước" - ông Thanh nhìn nhận.
Đòi hỏi sự bền bỉ, chịu khó
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, cho rằng với sự dẫn dắt của THACO INDUSTRIES, Quảng Nam có tiềm năng trở thành trung tâm để phát triển một khu vực liên kết các DN công nghiệp chế tạo, chế biến theo định hướng của các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không chỉ vậy, Quảng Nam - Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn toàn có tiềm năng để hình thành mô hình liên kết phát triển công nghiệp sản xuất kim loại - cơ khí - CNHT trên cơ sở lợi thế cạnh tranh về ngành thép của Quảng Ngãi, ngành cơ khí của Quảng Nam và hệ thống khu công nghệ cao, KCN và các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng.
Hôm 17-12, tại hội thảo thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung diễn ra ở Quảng Nam, ông Trần Bá Dương chia sẻ rằng xây dựng nền công nghiệp tự chủ là khát vọng của đất nước, nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi gắm khát vọng này với bản thân ông.
Ông Dương cho rằng tính tự chủ của một ngành công nghiệp chính là việc phát triển CNHT, công nghiệp cơ khí. Nó được định nghĩa như một cây có bộ rễ mạnh, cây có đứng vững được thì rễ phải cứng, giữ được thân khi gió bão, nuôi được, đem chất dinh dưỡng để sinh sôi nảy nở, phát triển.
Để phát triển được ngành công nghiệp "xương sống" này đòi hỏi sự bền bỉ, chịu khó, quyết tâm, làm từng bước một, không thể nhảy từ tầng 1 lên tầng 10. Chủ tịch HĐQT THACO cam kết sẽ thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung và xin nhận trách nhiệm làm đơn vị hạt nhân, đầu mối để liên kết phát triển công nghiệp của vùng.
Hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ
Ông Lê Trí Thanh cho biết thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng, tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với THACO xây dựng đề án "Thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành CNHT và công nghiệp cơ khí tại KKT mở Chu Lai". Việc hình thành hệ sinh thái sẽ tăng cường kết nối để ngành cơ khí và CNHT bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh, tạo nên mạng lưới liên kết ngành - liên kết vùng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành trung tâm công nghiệp ôtô và cơ khí đa dụng tại Quảng Nam. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung quy hoạch quốc gia trung tâm công nghiệp cơ khí và CNHT tại KKT mở Chu Lai.
Bình luận (0)