Những ngày này, tại các vườn luôn xôn xao tiếng cười nói của công nhân hái cà phê. Những chiếc xe công nông, xe tải nối đuôi nhau chở đầy cà phê trên những con đường mù đất đỏ. Năm nay, trong khung cảnh tấp nập, rộn ràng là những ánh mắt buồn rười rượi của người trồng cà phê.
Người dân Tây Nguyên lại đối mặt với một vụ cà phê thua lỗ
Những năm trước đây, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Tây Nguyên. Bất cứ hộ dân nào, dù là người dân bản địa hay di cư từ nơi khác tới cũng phải trồng từ vài trăm tới hàng ngàn cây cà phê. Cà phê đã trở thành cây trồng xóa đói giảm nghèo cho người đồng bào dân tộc thiểu số, cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện khi cà phê trúng mùa, được giá. Còn hiện tại, người trồng cà phê đang đứng ngồi không yên khi một mùa "cà phê đắng" hiển hiện. Liên tiếp 4 mùa vừa qua, giá cà phê xuống thấp, năng suất cũng chẳng cao, trong khi các chi phí khác như phân bón, nhân công… lại đồng loạt tăng cao.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 17-12, giá cà phê tươi chỉ 6.600 đồng/kg, bán nhân khô chỉ 33.000 đồng/kg. Trong khi đó, mức giá thuê nhân công hái cà phê bình quân hơn 1 triệu đồng/tấn. Ngoài ra còn hàng loạt các chi phí khác sau thu hoạch như vận chuyển, phơi, xát,… Khi bán lại bị thương lái ép giá, chê cà phê xấu, bụi bẩn, tạp chất… Vì vậy, vụ này, người trồng cà phê chỉ từ hòa đến lỗ.
Tại nhiều nơi, người dân tìm cách cắt giảm chi phí bằng cách hái cà phê sớm, thậm chí quả chưa chín đều, đạt trên 95% so với yêu cầu nhưng vẫn hái. Do mới đầu vụ, giá thuê lao động còn rẻ. Tuy nhiên, việc hái quả xanh sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt khi tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.
Kết thúc vụ cà phê cũng là lúc Tết nguyên đán cận kề. Với người trồng cà phê ở Tây Nguyên, năm nào cà phê bội thu, giá cao thì chắc chắn năm đó cả nhà sẽ được ăn Tết "to". Còn năm nào mất mùa - mất giá, tiền bán cà phê vừa cầm trên tay đã phải trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công… thì Tết năm đó sẽ kém vui.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)