Chiều 24-8, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai họp trực tuyến với các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam để xem xét, đánh giá, bàn phương án ứng phó động đất diễn biến phức tạp tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Động đất do thủy điện tích nước?
Theo TS Phạm Thế Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), trong thời gian gần đây, động đất xảy ra thường xuyên và có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn huyện Kon Plông. Cụ thể từ năm 1903 đến năm 2020 (117 năm) khu vực này ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn M= 2,5 - 3,9 nhưng từ năm 2021 đến nay xảy ra 267 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,7.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đề nghị rà soát toàn bộ các công trình trong khu vực 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam
Đáng chú ý, từ ngày 15 đến 28-4-2022, đã xảy ra liên tiếp 41 trận động đất với M = 2,5 - 4,5, trong đó trận động đất ngày 15-4 có độ lớn M = 4,1 và ngày 18-4 là 4,5. Từ ngày 23 đến 24-8, đã xảy ra liên tiếp 12 trận động đất với M = 2,5 - 4,7, trong đó trận động đất lúc 14 giờ 8 giờ ngày 23-8 lên đến 4,7 độ Richter (tương đương cường độ động đất tại thủy điện Sông Tranh 2). Đây là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử từng được ghi nhận ở khu vực này, đã gây rung chấn trong khu vực huyện Kon Plông và các địa phương lân cận của tỉnh Kon Tum, kể cả các tỉnh Gia Lai, Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Theo ông Truyền, nguyên nhân sơ bộ gây động đất là do hồ chứa. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở dự báo xu thế hoạt động, cũng như cường độ động đất trong tương lai, cần có đánh giá chi tiết và nghiên cứu cụ thể. Trước mắt, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền để người dân yên tâm, không hoang mang, Viện Vật lý địa cầu sẽ lắp 6 trạm quan trắc động đất tại huyện Kon Plông (trong đó 3 trạm hoàn thành trong tháng 9), cùng với 2 trạm tại thủy điện Đăk Ring. Về lâu dài, Viện Vật lý địa cầu kiến nghị tăng cường lắp đặt hệ thống quan trắc và phân vùng rủi ro động đất trên phạm vi quốc gia để kịp thời ứng phó.
Ông Lê Văn Chính, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng cho rằng để khẳng định nguyên nhân, cần có khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực. Khó khăn là các kết quả nghiên cứu trước đây về hoạt động kiến tạo động đất ở Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để đánh giá nguyên nhân, mức độ. Bên cạnh đó cũng chưa có một nghiên cứu chi tiết nào về động đất kích thích ở khu vực này.
Không để người dân hoang mang
Ông Nguyễn Anh Tú, Phó vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi), khẳng định qua đánh giá các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa phát hiện điều gì bất thường và vẫn bảo đảm an toàn theo thiết kế.
Còn theo ông Lê Minh Long, phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), với mức độ động đất xảy ra ở Kon Tum trong thời gian qua nằm ở dưới cấp 6 theo quy chuẩn của Việt Nam. "Khu vực xảy ra động đất liên tiếp thời gian qua ở Kon Tum ở mức độ thấp, không ở mức độ nghiêm trọng nên không quá lo ngại. Tức là các công trình kiên cố như trường học, bệnh viện, nhà máy, hồ đập… hoàn toàn có thể chống chịu được và không ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ được thông tin và tránh hoang mang không cần thiết" - ông Long nói.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đánh giá diễn biến động đất tại Kon Plông là phức tạp với cường độ tương đối lớn. Vì vậy, ông Hoài đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam triển khai nghiêm túc Công điện số 750/CĐ-TTg ngày 23-8 và Văn bản số 2502/VPCP-NN ngày 21-4-2022 của Văn phòng Chính phủ về ứng phó với động đất khu vực huyện Kon Plông.
Viện Vật lý địa cầu khẩn trương đánh giá các yếu tố bị ảnh hưởng do động đất, cung cấp thông tin động đất kịp thời, chính xác, đầy đủ theo Quyết định 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cảnh báo, dự báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó, khẩn trương lắp đặt các trạm quan trắc động đất như đã báo cáo.
"Cần xem xét, rà soát cả nguyên nhân tích nước của thủy điện Thượng Kon Tum, dù hiện nay thủy điện này đang tích nước theo đúng quy trình" - ông Hoài lưu ý thêm.
Rà soát toàn bộ các công trình
Ông Trần Quang Hoài đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần đặc biệt lưu ý và đánh giá mức độ và đưa ra các phương án ứng phó khi cường độ động đất có thể lên đến 5.5 Richter. Theo đó, cần rà soát toàn bộ các công trình trong khu vực 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Trong đó, đặc biệt chú ý đến công trình nhà tạm có người dân ở, các công trình công cộng chưa được sửa chữa.
Các địa phương cần triển khai xuống tận các bản làng, yêu cầu lực lượng xung kích ở cấp xã rà soát những khu vực xung yếu để có biện pháp bảo đảm an toàn; theo dõi và đánh giá thường xuyên an toàn hồ đập, nhất là những thủy điện có đường ống áp lực có mái dốc.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)