Mới đây, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cùng đoàn công tác đã làm việc với các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, các nhà đầu tư và các nhà thầu liên quan đến vướng mắc thi công đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Nhiều vướng mắc
Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài gần 653 km. Hiện tại, các đơn vị đã hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng, bàn giao hơn 652,5 km (đạt 99,95%). Tổng khối lượng xây lắp hoàn thành đạt hơn 26.000 tỉ đồng, tương đương 45,6%.
Đắp đất nền thi công đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Riêng khu vực Nam Trung Bộ có 3 tỉnh đường cao tốc đi qua, là Khánh Hòa: 54,1 km, Ninh Thuận: 61,5 km và Bình Thuận 160,47 km, chiếm hơn 42% chiều dài toàn tuyến. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cho biết toàn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, hoàn thành 5 khu tái định cư cho người dân. Hiện 9 trụ điện cao thế chưa di dời nhưng nằm ngoài diện tích thi công, không ảnh hưởng tới việc thi công. Tổng nhu cầu vật liệu đất đắp của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh là 12,621 triệu m3, đến nay đã giải quyết cơ bản đủ vật liệu để phục vụ đất đắp cho dự án.
Tuy nhiên, một số nhà thầu cho rằng thủ tục cấp mỏ khoáng sản còn nhiều khó khăn khiến nguồn cung đất đắp nền cho dự án bị ảnh hưởng. Ngoài ra, giá vật liệu thời gian qua tăng mạnh khiến không ít đơn vị gặp khó. Đại diện nhà thầu Vinaconex thi công gói XL-04 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và gói XL-03 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cho biết theo hợp đồng, việc điều chỉnh giá có 7 yếu tố tác động đến chỉ số giá nhưng trong đó giá vật liệu đất đắp chiếm tỉ trọng 25% lại không được điều chỉnh mà là số cố định, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến việc điều chỉnh giá cho các hạng mục khác.
Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (nhà thầu đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết), cho biết đến nay giá trị sản lượng xây lắp cả dự án đạt 46,02%, chậm 1,8% so với kế hoạch. Một phần nguyên nhân dự án chậm tiến độ là do thủ tục cấp phép mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù còn chậm.
Không lùi thời gian hoàn thành dự án
Vì những lý do này, qua tổng hợp của Bộ GTVT có khoảng 20 nhà thầu gửi đơn kiến nghị lùi thời gian hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho biết địa phương luôn tạo điều kiện tối đa trong khuôn khổ pháp luật quy định để hỗ trợ tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam. Theo ông An, thời điểm một số dự án thành phần thiếu vật liệu đắp nền, HĐND tỉnh đã chủ động tổ chức họp để kịp thời đưa các mỏ vào quy hoạch, cấp phép theo Nghị quyết 60 của Chính phủ, không để doanh nghiệp phải chờ. Trước đây, việc tư vấn, khảo sát lập hồ sơ các mỏ khoáng sản cung cấp vật liệu cho thi công cao tốc là chưa chặt chẽ và chưa sát với thực tế, dẫn đến khi triển khai thi công cao tốc nhiều mỏ không đạt tiêu chuẩn hoặc chưa được cấp phép. Như trường hợp tại Bình Thuận, qua lập hồ sơ ban đầu có 22 mỏ đủ điều kiện để phục vụ cho thi công cao tốc nhưng thực tế chỉ có 9 mỏ đủ điều kiện, vì vậy ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp đất đắp cho dự án, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thi công. "Khi đã được cấp phép bổ sung rồi thì một số nhà thầu cũng chậm triển khai các thủ tục liên quan" - ông Dương Văn An nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang thi công hiện nay phải cơ bản hoàn thành cuối tháng 12-2022, không có trường hợp nào được lùi thời gian. Các nhà thầu phải tăng cường huy động thiết bị máy móc, nhân công đẩy nhanh tiến độ dự án, phấn đấu thông xe kỹ thuật năm 2022, còn các chi tiết, hạng mục nhỏ hơn có thể hoàn thành sau. Thứ trưởng cũng cho rằng các khó khăn về hệ số giá đang được Bộ GTVT, Bộ Xây dựng phối hợp thẩm định trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. "Các nhà thầu phải củng cố lại nhân lực lẫn mô hình để làm cho hiệu quả hơn. Đối với các nhà thầu năng lực yếu, Bộ GTVT sẽ có báo cáo Chính phủ để xử lý trách nhiệm" - Thứ trưởng Thọ nói.
Một số nhà thầu thi công chậm chạp
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh dự án cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm, người dân đặt nhiều kỳ vọng, vì vậy phải nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ. Đối với những khó khăn vướng mắc, Bộ GTVT cần giải trình chi tiết hơn để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét tháo gỡ.
"Qua chuyến khảo sát thực tế, có những đoạn vắng bóng máy móc, nhân lực thi công... Vì sao có nhà thầu thi công đạt tới 45%, trong khi có nhà thầu mới chỉ đạt 30%, thậm chí ít hơn. Đây là dự án quan trọng của cả nước, nhà thầu phải có trách nhiệm hơn, tăng cường thiết bị, huy động nhân công với nỗ lực cao nhất" - ông Vũ Hồng Thanh yêu cầu.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)