Tháng 3-2019, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải và UBND tỉnh Quảng Nam khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Thaco Chu Lai (gọi tắt là dự án KCN Thaco Chu Lai) trên diện tích 451 ha. Dự kiến đến năm 2022, chủ đầu tư đưa dự án vào hoạt động. Dù vậy, đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn lắm ngổn ngang.
Gia đình ông Nguyễn Ny (SN 1946; thôn Tiên Xuân 2, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành) đã nhận tiền bồi thường nhưng cho rằng việc áp giá chưa thỏa đáng nên chưa bàn giao mặt bằng
Trên chỉ đạo, dưới không thi hành (?!)
Dự án KCN Thaco Chu Lai tại xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có vốn đầu tư hơn 8.100 tỉ đồng. Đây là KCN chuyên nông nghiệp tập trung, được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng để kết nối chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản theo hướng công nghệ cao. Từ năm 2019, tỉnh Quảng Nam giao 3 đơn vị thực hiện bồi thường, GPMB. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5, địa phương mới bàn giao hơn 308,8 ha mặt bằng sạch (hơn 68%). Điều đáng nói, số mặt bằng này không liền kề nên rất khó triển khai dự án. Thời gian qua, chủ đầu tư đã chi hơn 536,27 tỉ đồng để bồi thường, GPMB và cử nhiều cán bộ bám sát, phối hợp giải quyết các vướng mắc nhưng tốc độ GPMB rất chậm.
Công tác GPMB dự án gặp nhiều trở lực, trong đó đa phần do người dân không thống nhất bồi thường loại đất rừng sản xuất. Trong số 36,6 ha đã phê duyệt phương án bồi thường, có đến 21,46 ha người dân không thống nhất bồi thường theo loại đất trên. Ông Phạm Trung (SN 1946; trú thôn Tiên Xuân 2, xã Tam Anh Nam) cho biết gia đình bị thu hồi 4.744 m2 đất nhưng chỉ được bồi thường, hỗ trợ hơn 460 triệu đồng. Ông Trung và nhiều hộ dân phản ứng vì nguồn gốc đất của gia đình không phải là đất rừng sản xuất. Theo ông, năm 2010, xã Tam Anh Nam có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) cho người dân, mọi người không nghĩ được cấp với mục đích là đất rừng sản xuất. Do khó khăn trong quá trình sản xuất, xây dựng trang trại, ông Trung từng làm đơn xin chuyển đổi mục đích nhưng không được.
Ông Trung khẳng định tỉnh đã chỉ đạo điều chỉnh mục đích sử dụng đất nhưng địa phương không thực hiện, gây thiệt thòi cho người dân. Cụ thể, thông báo kết luận của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại cuộc họp giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB vào ngày 18-5-2021 có nội dung: Theo quyết định năm 2017 của UBND tỉnh về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch rừng giai đoạn 2011 - 2020 thì toàn bộ khu vực dự án KCN Thaco Chu Lai nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
Ông Thanh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, phối hợp với UBND huyện Núi Thành rà soát lại nguồn gốc, hồ sơ đăng ký sử dụng đất qua các thời kỳ và thực trạng sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trước đây đã được cấp sổ đỏ là đất rừng sản xuất, nay không còn phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng để điều chỉnh thông tin về loại đất trên sổ đỏ cho phù hợp với mục đích sử dụng theo quy hoạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. "Tỉnh chỉ đạo nhưng địa phương không thi hành. Nếu làm đúng, người dân được áp giá bồi thường đất trồng cây lâu năm với số tiền tăng gần gấp đôi thì không ai phản ứng cả" - ông Trung nói.
Ông Phạm Trung và Nguyễn Trường Hạnh ở thôn Tiên Xuân 2 không thống nhất bồi thường loại đất rừng sản xuất nên không bàn giao mặt bằng dự án
Còn vướng mắc khác
Theo UBND xã Tam Anh Nam, khu vực dự án KCN Thaco Chu Lai trước đây người dân chủ yếu trồng keo với diện tích khoảng 206 ha. Năm 2011, khoảng 186 ha đã được cấp sổ đỏ loại đất rừng sản xuất, 20 ha chưa cấp. Theo quy định, những trường hợp nào đã cấp sổ đỏ thì bồi thường theo mục đích ghi trong sổ, trường hợp chưa cấp sổ bồi thường theo thực tế sử dụng đất. Trên thực tế, những hộ được cấp sổ đỏ mức bồi thường thấp hơn so với những hộ chưa được cấp dẫn đến tâm lý so bì.
Theo ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam, nhiều người dân căn cứ vào thông báo kết luận của ông Lê Trí Thanh nên không thống nhất với phương án bồi thường. Bên cạnh đó, Quyết định 42 của UBND tỉnh mới ban hành cũng gây thêm khó khăn cho công tác GPMB. Cụ thể, theo Quyết định 43 của UBND tỉnh Quảng Nam, các hộ gia đình làm nhà trên đất nông nghiệp trước ngày 1-7-2014, khi nhà nước thu hồi đất mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở thì được giao 1 lô đất có thu tiền sử dụng đất theo giá đất tái định cư. Tuy nhiên, theo Quyết định số 42 của UBND tỉnh Quảng Nam có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, trường hợp như trên không đủ điều kiện bố trí đất tái định cư. Có 11 hộ rơi vào trường hợp trên không chịu bàn giao mặt bằng vì số tiền bồi thường quá ít, không được cấp đất tái định cư nên rất khó ổn định đời sống. Trước đó, UBND huyện Núi Thành đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí đất tái định cư có thu tiền sử dụng đất cho 11 trường hợp trên để họ ổn định cuộc sống. Dù vậy, theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, sở dĩ UBND tỉnh ban hành Quyết định 42 thay thế Quyết định 43 do Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp "tuýt còi" vì không đúng với quy định của Luật Đất đai.
Một nguyên nhân khác là sự nhập nhằng quản lý đất công ích 5% trên hồ sơ và thực tế sử dụng tại xã Tam Anh Nam. Hiện nay, tỉnh phải chờ hướng dẫn của Bộ TN-MT nên tiến độ GPMB thêm chậm.
Tỉnh nói quyết tâm, địa phương than khó
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết địa phương áp giá bồi thường, GPMB các trường hợp có sổ đỏ đất rừng sản xuất là làm đúng quy định. Sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, nếu không tuân thủ sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để đôn đốc công tác bồi thường, GPMB. Tỉnh quyết tâm sẽ thực hiện xong và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trước ngày 30-6 như kế hoạch. Dù vậy, lãnh đạo UBND huyện Núi Thành và xã Tam Anh Nam cho rằng với các vướng mắc như hiện nay thì đến ngày 30-6 rất khó thực hiện xong.
Bình luận (0)