Những ngày sau 2 cơn bão số 5, số 6, chúng tôi về xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi - thủ phủ trồng cây dó bầu - chứng kiến cây cối ngã đổ khắp nơi. Những vườn dó bầu từng mang theo bao kỳ vọng của người dân nơi đây giờ cũng mục nát, xơ xác, không tạo ra được trầm hương như mong muốn.
Giấc mơ đẹp một thời
Dẫn chúng tôi ra vườn cây dó bầu thưa thớt, sót lại sau những trận bão, ông Hồ Thanh Ôn (47 tuổi; ngụ thôn Đông, xã Trà Sơn) - một trong rất nhiều hộ dân ở Trà Bồng trồng cây dó bầu - kể cách đây vài chục năm, thời điểm cơn sốt trầm hương lan truyền khắp bản làng với câu chuyện người đi rừng bỗng chốc thành tỉ phú vì tìm được trầm. Thế là nhà nhà, người người đổ xô đi tìm trầm, với mong muốn đổi đời. Giấc mơ gặp được trầm hương đâu chưa thấy nhưng rất nhiều người "có đi nhưng không thấy về", phần vì lạc đường, phần gặp lũ quét, sốt rét, thú dữ tấn công… bỏ mạng trong rừng sâu.
Vườn cây dó bầu của ông Hồ Thanh Ôn (ngụ xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) phải chặt bỏ, bán tháo sau 16 năm trồng, chăm sóc
Khi giấc mơ tỉ phú từ nguồn trầm hương trong tự nhiên cạn kiệt, nhiều người mày mò tìm cách tạo trầm hương. Có người đến các công ty bán cây giống tìm mua cây dó bầu - một loài cây theo lời nhiều người, có thể tạo trầm bằng cách tiêm axít, các chế phẩm sinh học vào thân.
Riêng ông Ôn cũng được người quen làm công nhân cho một trang trại ở tỉnh Bình Phước mách nước trồng dó bầu để thành tỉ phú. Thế là đầu năm 2005, ông mua hạt ươm 5.000 cây, bán cho hàng xóm 4.000 cây, riêng ông giữ lại 1.000 cây trồng trong vườn nhà, trên rẫy. "Thời điểm đó, tôi cứ nghĩ với chừng đó cây trồng được, 10 năm sau, ít nhất mỗi cây bán được 10 triệu đồng, cũng đã kiếm chục tỉ trong tay" - ông Ôn nói.
Thế nhưng, mọi tính toán của ông Ôn cùng gia đình liên tiếp đổ bể khi vài năm đầu, cây phát triển tốt nhưng càng lớn càng hư, bị sâu ăn lá, đục thân nên chết dần; rất nhiều cây khác bị gió bão bẻ gãy. Qua 15 năm trồng, chăm sóc, 1.000 cây dó lúc đầu ông Ôn trồng giờ chỉ còn khoảng 400 cây.
Theo lời ông Ôn, lúc đầu trồng cây dó bầu, ai cũng đinh ninh khi cây 7-8 năm tuổi, có thể khoan lỗ, bơm chế phẩm sinh học vào thân, đợi vài năm sau cây sẽ tiết ra chất nhựa tạo trầm. Vậy mà, đi khắp nơi hỏi chế phẩm sinh học gì để bơm vào thân cây tạo trầm thì không ai biết. Theo lời một số người, ông cũng thử bơm axít cùng nhiều chế phẩm khác vào một số thân cây nhưng chỉ thấy cây bị hư chứ chẳng thấy trầm đâu!
"Mãi đến năm 2019, có mấy người từ Đà Nẵng vào mua dó bầu, tôi bán 116 cây, chỉ được 55 triệu đồng. Họ khoan, đục lỗ cho thuốc vào cấy nhưng 3 năm qua, chưa tạo được trầm hương" - ông Ôn cho hay.
Đưa tay chỉ hướng góc vườn, nơi có hàng chục cây sưa (huỳnh đàn) cành lá xum xuê, thân một người ôm không xuể, ông Ôn cho biết toàn bộ những cây sưa này đều trồng cùng thời điểm với dó bầu. "Lúc đó, tôi chỉ hy vọng vào cây dó bầu, còn cây sưa chỉ trồng cho vui. Vậy mà bây giờ, có người trả hơn 10 triệu đồng/cây sưa nhưng tôi không bán. Hồi đó mà trồng sưa thì giờ đã thành tỉ phú, còn cây dó bầu không tạo được trầm chỉ có nước làm củi" - ông Ôn thở dài.
Chưa thấy ai thành công
Cách đó không xa, nhà ông Hồ Văn Kỳ hiện cũng còn hàng chục cây dó bầu được trồng cách đây 15 năm. Cũng giống ông Ôn, vườn dó bầu nhà ông Kỳ trồng cả ngàn cây nhưng dần bị bão, sâu bệnh nên hư hỏng, giờ còn lại khoảng 20 cây. "Bao năm qua, dò hỏi khắp nơi nhưng chỗ nào cũng nói giá thuốc để cấy vào cây dó bầu phải vài triệu đồng 1 lít nhưng cũng chỉ cấy được vài ba cây, chưa chắc đã tạo được trầm nên đành bỏ cuộc. Có người đến hỏi mua giá 1 triệu đồng/cây, rẻ quá nên tôi chưa bán" - ông Kỳ nói. Ông Hồ Văn Chân - ngụ xã Trà Sơn, người cũng từng trồng hàng ngàn cây dó bầu nhưng đã chặt bỏ trong đợt bão số 9 năm 2020 - cho rằng việc tạo trầm từ cây dó bầu rất khó khả thi.
Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho biết cách đây chục năm, phong trào trồng cây dó bầu để tạo trầm phát triển mạnh ở nhiều xã miền núi huyện Trà Bồng. Nhưng rồi việc này không mang lại hiệu quả như kỳ vọng lúc đầu nên nhiều gia đình thua lỗ, phải bán tháo hoặc phá bỏ để trồng cây khác. "Trà Bồng có hàng trăm người trồng dó bầu từ trước tới nay mà chưa thấy ai thành công, tạo ra trầm" - ông Sương cho biết.
Chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất hương trầm ở Quảng Ngãi cho biết việc tạo trầm từ cây dó bầu không đơn giản như nhiều người tưởng. Tạo trầm trên cây dó bầu đòi hỏi kỹ thuật rất cao, phụ thuộc nhiều yếu tố như loài dó bầu, thổ nhưỡng, thảm thực vật nơi cây sống, chất lượng chế phẩm, loại thuốc để tạo ra trầm… Trong hàng trăm cây, chỉ một vài cây tạo được trầm nhưng chất lượng không như trầm tự nhiên, giá trị cũng thấp.
Bình luận (0)