Bà Hậu cho biết bà sinh tại Hà Nội nên rất thích các loại hoa của Hà Nội, trong đó có cúc họa mi. Cuối năm rồi, bà yêu cầu Trung tâm Công nghệ sinh học triển khai thử nghiệm trồng cúc họa mi để "mang một chút nét đẹp tinh khôi của Hà Nội vào giữa lòng TP Đà Nẵng".
Bà Hậu cho rằng không phải loài cây nào mang từ nơi khác về Đà Nẵng cũng thích ứng và phát triển tốt nên buộc phải áp dụng kỹ thuật trồng trọt cùng công nghệ sinh học. Đặc biệt, cúc họa mi thích hợp với nhiệt độ khoảng 24-25 độ C, trong khi Đà Nẵng có thời tiết phức tạp, nắng gió và nhiệt độ cao. "Anh em trong nhóm thử nghiệm đã học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi trồng loài hoa này để đưa về Đà Nẵng áp dụng và mong muốn có một kết quả tốt nhất" - bà Hậu nói.
Vườn cúc họa mi của Trung tâm Công nghệ sinh học đã thành công với những khóm hoa nở rộ, tươi tắn không khác trồng ở Hà Nội. Từ cuối tháng 11, trung tâm mở cửa cho người dân vào tham quan miễn phí, mỗi ngày đón cả ngàn lượt khách đến chụp ảnh. Đỉnh điểm trong ngày thứ bảy và chủ nhật có khoảng 2.000 du khách. Trung tâm cũng tổ chức hội thảo về mô hình trồng thử nghiệm cúc họa mi, với sự tham gia của hội nông dân, đại diện các gia đình sản xuất, kinh doanh và đại biểu một số sở - ngành liên quan.
Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng cho hay thông qua hội thảo, các đại biểu được chia sẻ, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, sử dụng phân bón, vệ sinh đồng ruộng và các biện pháp tác động trong từng giai đoạn phát triển. Nhiều hộ dân hào hứng với mô hình trồng hoa mới này và mong muốn được nhận chuyển giao trồng thử nghiệm quy mô lớn.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ để chuyển giao người dân. Hy vọng sau này, Đà Nẵng có nhiều góc họa mi Hà Nội đẹp trong lòng TP Đà Nẵng" - bà Hậu bày tỏ.
Bình luận (0)