xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Miệt mài lưu giữ giá trị lịch sử

Bài và ảnh: PHAN ANH

Tâm huyết với lịch sử dân tộc, ông Trần Hữu Phước đã kiên trì sưu tầm, nghiên cứu, viết sách, báo để lưu giữ những giá trị trường tồn

Nhắc đến những người đam mê lưu giữ lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, không thể không kể đến ông Trần Hữu Phước (Hai Phước, SN 1933) - nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu Di tích lịch sử Cách mạng Miền Nam.

Miệt mài lưu giữ giá trị lịch sử- Ảnh 1.

Ông Hai Phước vẫn miệt mài đọc, viết

Công trình đồ sộ, thực hiện kỳ công

91 tuổi đời, 75 tuổi Đảng, ông Hai Phước vẫn miệt mài nghiên cứu, sưu tầm và viết sách, báo về lịch sử dân tộc.

Năm 2022, khi Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ủy ban MTTQ TP HCM ra mắt bộ sách "Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam" bổ sung, tái bản, nhiều người ấn tượng với hình ảnh một ông cụ có khuôn mặt phúc hậu, tóc bạc trắng, tay nâng niu bộ sách. Đó là ông Trần Hữu Phước, Trưởng Ban Biên soạn bộ sách.

Trong nhiều sách, bộ sách tham gia biên soạn, đây là công trình mà ông Hai Phước thực hiện kỳ công và tâm đắc nhất. Bộ sách dày hơn 2.000 trang với 220 bài viết và 329 ảnh tư liệu lịch sử - là những minh chứng hùng hồn về những điều đã dẫn đến thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.

Ông Hai Phước khẳng định thành công nổi bật trong khâu tổ chức bản thảo là tinh thần chắt lọc những giá trị tinh hoa của lịch sử và bằng phương pháp "đãi cát tìm vàng" từ khối lượng đồ sộ nguồn tư liệu, hình ảnh, sự kiện. Từ đó, bộ sách đúc kết được những bài học, kinh nghiệm quý báu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc vận dụng năng động và sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ.

Bộ sách được thực hiện trong 3 năm. Trong 14 thành viên Hội đồng Cố vấn và Hội đồng Biên soạn bộ sách, phần lớn đã trên 80 tuổi, có người trên 90 tuổi. Nếu không có tình cảm sâu sắc với cách mạng miền Nam, tâm huyết với lịch sử dân tộc thì họ không thể nào làm nổi bộ sách này.

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết càng nghiên cứu bộ sách, ông càng tâm đắc. Thời điểm bộ sách ra mắt năm 2022, bà Tô Thị Bích Châu - lúc bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, nay là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - nhận xét đây là công trình tập hợp nguồn tư liệu khổng lồ, giúp chúng ta khám phá nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá. Bộ sách có giá trị cao về tư liệu lịch sử; thể hiện lòng tri ân với đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Miệt mài lưu giữ giá trị lịch sử- Ảnh 2.

Đoàn cán bộ Bảo tàng TP HCM thăm hỏi, cảm ơn ông Trần Hữu Phước vì đã trao tặng 315 hiện vật, tư liệu

Nhân chứng sống

Ngoài bộ sách trên, ông Hai Phước còn tham gia thực hiện nhiều cuốn sách khác về cách mạng miền Nam.

Trong đó, đáng chú ý là các cuốn "Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh" 600 trang; "Căn cứ Xứ ủy Nam Bộ ở chiến khu Đồng Tháp Mười", "Căn cứ Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam ở U Minh", "Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ trong 9 năm kháng chiến chống Pháp", "Căn cứ địa cách mạng Củ Chi"… Không chỉ tham gia ban chỉ đạo, ban biên soạn, ban cố vấn mà trong nhiều cuốn sách, ông Hai Phước còn trực tiếp viết bài.

Ông Hai Phước còn viết báo và nhiều kịch bản phim về cách mạng miền Nam. Hàng chục tác phẩm của ông về các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, như ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; ngày Nam Bộ kháng chiến; Hiệp định Geneve… đã đăng trên nhiều báo.

Để có thể đảm nhận vai trò quan trọng trong việc làm sách về lịch sử miền Nam, ông Hai Phước là một nhân chứng sống. Ông đã đi qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Năm 1971, ông Hai Phước làm trưởng đoàn công tác, sang Liên Xô hiệu đính toàn bộ tác phẩm của V.I. Lênin khi chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Sau đó, đoàn công tác được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô trao tặng Huân chương Lao động.

Suốt quá trình công tác ở nhiều đơn vị, ông Hai Phước đã sưu tầm được rất nhiều hiện vật, tư liệu lịch sử giá trị. Ông đã đem những hiện vật, tư liệu này trao tặng Bảo tàng TP HCM. Với 315 hiện vật, tư liệu tiếp nhận, Bảo tàng TP HCM đánh giá đây là nhóm có nội dung đa dạng, phong phú. Đoàn cán bộ Bảo tàng TP HCM do Phó Giám đốc phụ trách Đoàn Thị Trang dẫn đầu đã đến thăm hỏi, cảm ơn tấm lòng của ông Hai Phước.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân đông con ở Tiền Giang, ông Hai Phước tham gia cách mạng khi còn là cậu bé 13 tuổi. Nhờ biệt tài ghi tốc ký và tinh thần tự học hỏi mọi lúc mọi nơi, ông được ông Lê Đức Thọ - Bí thư Trung ương Cục miền Nam thời điểm đó - "chấm" làm thư ký. Năm 16 tuổi, ông được kết nạp Đảng.

Ông Huỳnh Văn Cang (Tư Cang) - Phó Chủ tịch CLB Truyền thống kháng chiến TP HCM - nhận xét: Ông Hai Phước là người giỏi, có trình độ, ở tuổi "xưa nay hiếm" vẫn kiên trì đọc, viết sách, viết báo. "Thật đáng nể! Phải là người rất tâm huyết mới có thể miệt mài như vậy, dù sức khỏe đã yếu, mắt không còn tinh, tay không còn linh hoạt" - ông cảm phục về đồng đội cũ của mình.

Ông Tư Cang cho biết CLB Truyền thống kháng chiến TP HCM dự định tập hợp những bài viết của ông Hai Phước đăng trên báo để xuất bản thành sách. 

"Tôi muốn lưu giữ thật nhiều tư liệu để truyền lại cho thế hệ mai sau, để những trang sử hào hùng của dân tộc còn mãi với thời gian" - ông Trần Hữu Phước bộc bạch.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo