Theo báo cáo của địa phương về Bộ Tài chính, trong tổng số 31.581 di tích thành phần, có 15.324 di tích (49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. Trong đó, 5.683 di tích là cơ sở tôn giáo, có 3.912 di tích (69%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ, số di tích còn lại không báo cáo. 25.898 di tích còn lại có 11.412 di tích (44%) có số liệu thu, chi. Số còn lại chủ yếu là di tích tư nhân, nhà thờ dòng họ không báo cáo và các di tích đặc thù không có công đức.
Tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo).
Theo Bộ Tài chính, số thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng là 3.062 tỉ đồng. Có 63 di tích thu trên 5 tỉ đồng, trong đó có 28 di tích thu trên 10 tỉ đồng, cao nhất là 7 di tích thu trên 25 tỉ đồng, gồm: Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) 220 tỉ đồng; Đền Bảo Hà ở Bảo Yên, Lào Cai 71 tỉ đồng; Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo ở Bà Rịa - Vũng Tàu 34 tỉ đồng; Đền Sòng Sơn ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) 28 tỉ đồng; Đền Hùng ở Phú Thọ 26 tỉ đồng và 2 di tích sau ở Hà Nội là Đình La Khê ở Hà Đông 28 tỉ đồng và Đền trình Ngũ Nhạc (chùa Hương) ở Mỹ Đức 33 tỉ đồng.
Số thu tại các di tích là cơ sở tôn giáo là 1.038 tỉ đồng. Có 15 di tích thu trên 5 tỉ đồng, trong đó chỉ có 4 di tích thu trên 10 tỉ đồng, gồm: Chùa Tranh ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương 10,2 tỉ đồng; Chùa Tàm Xá ở Đông Anh, Hà Nội hơn 10 tỉ đồng; Chùa Ông ở Biên Hòa, Đồng Nai 14,2 tỉ đồng; Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Cà Mau 14,4 tỉ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho biết có 7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỉ đồng, gồm: Hà Nội 672 tỉ đồng, Hải Dương 278 tỉ đồng, An Giang 277 tỉ đồng, Bắc Ninh 269 tỉ đồng, Hưng Yên 242 tỉ đồng, Nam Định 215 tỉ đồng.
Tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu 4 tháng đầu năm 2023 trên 67 tỉ đồng (đã bổ sung số thu tại chùa Ba Vàng và một số di tích), ước thu cả năm trên 200 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, có 9 tỉnh, thành phố có số thu trên 100 tỉ đồng đến dưới 200 tỉ đồng, gồm: Hải Phòng 183 tỉ đồng, Thái Bình 169 tỉ đồng, Vĩnh Phúc 127 tỉ đồng, Bắc Giang 122 tỉ đồng, Phú Thọ 119 tỉ đồng, Lào Cai 116 tỉ đồng, Nghệ An 115 tỉ đồng, Ninh Bình 110 tỉ đồng, Thanh Hóa 105 tỉ đồng.
Tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỉ đồng. Trong đó chi quản lý là 445 tỉ đồng (12%); chi hoạt động lễ hội là 692 tỉ đồng (19%); chi tu bổ, tôn tạo di tích là 1.643 tỉ đồng (46%); các khoản chi tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình phụ trợ tại di tích là 542 tỉ đồng (15%); chi hoạt động từ thiện, nhân đạo là 290 tỉ đồng (8%).
Bình luận (0)