Ngày 24-9, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp tổ chức Tổng kết Đề án "Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn, định hướng đến năm 2050" và định hướng xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đồng chủ trì hội nghị.
Theo GS-TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Đề án nhằm phục vụ cho việc tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, góp phần xây dựng lý luận về đường lối đổi mới; tổng kết mô hình, đánh giá kết quả phát triển đạt được, trên cơ sở đó rút ra các bài học kinh nghiệm, xác định tầm nhìn, mục tiêu, mô hình và những định hướng phát triển cho tỉnh Bình Dương đến giữa thế kỷ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu làm rõ thêm những nguyên nhân, cách thức cũng như lựa chọn đúng đắn để tỉnh Bình Dương đạt được những thành quả nổi bật trong gần 40 năm cùng đất nước đổi mới, nhất là trong 27 năm xây dựng phát triển. Đồng thời khẳng định, mô hình phát triển của Bình Dương cần được nhân rộng cả nước.
Qua nghiên cứu, bài học kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương 40 năm qua, nhất là 27 năm kể từ khi tách lập tỉnh, bước đầu đã chỉ ra những nhân tố hết sức quan trọng, nhất là vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự ủng hộ về mặt cơ chế, chính sách của Trung ương, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
Đó là với trình độ phát triển hiện nay, có thể xếp Bình Dương là tỉnh công nghiệp hóa, thu nhập trung bình cao. So sánh với trình độ chung của cả nước thì có thể nói trình độ phát triển của Bình Dương đã đi trước cả 10 năm.
Bình Dương là địa phương có sức hút mạnh mẽ đối với người dân đến sinh sống, làm việc. Tốc độ tăng trưởng dân số của Bình Dương trong 25 năm qua lên đến 5,6%/năm, cao hơn hẳn 62 địa phương còn lại.
Bên cạnh đó, Bình Dương nơi lựa chọn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Lũy kế vốn FDI thu hút hết năm 2021 đã hơn 37 tỉ USD, bằng 75% TP HCM và cao hơn TP Hà Nội. Số doanh nghiệp đăng ký hoạt động đến hết năm 2021 là hơn 50.000 doanh nghiệp, chỉ thấp hơn TP HCM và TP Hà Nội.
Ngoài ra, tỉnh còn là trung tâm sản xuất công nghiệp công nghệ cao và hiện đại bậc nhất Việt Nam với nhiều doanh nghiệp thành công, có năng lực cạnh tranh cao. Bình Dương có các doanh nghiệp rất thành công ở cả ba loại hình (nhà nước, ngoài nhà nước và FDI).
Ngay từ rất sớm, bên cạnh sử dụng đầu tư công, Bình Dương chủ động, linh hoạt trong việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia đầu tư công trình hạ tầng giao thông trọng điểm với mô hình BOT, như dự án Quốc lộ 13 (lưu lượng hơn 25.000 xe/ngày đêm), đi xuyên tỉnh, từ TP HCM đến Bình Phước, là bàn đạp để kết nối hệ thống KCN tỉnh và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam.
Cơ chế hợp tác công - tư được áp dụng ngay cả trong quá trình Bình Dương hình thành mô hình tích hợp KCN - đô thị - dịch vụ đầu tiên trên cả nước, trong đó tiêu biểu có khu vực Thành phố mới hiện nay, rộng khoảng 4.200 ha có khả năng kết nối mạnh mẽ với toàn tỉnh và toàn vùng.
Những điểm mạnh nổi bật mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương bao gồm: Bình Dương nằm ngay cạnh TP HCM, gần các đầu mối sân bay, cảng biển vì thế chỉ cần những kết nối về hạ tầng giao thông giữa Bình Dương và TP HCM cùng sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh là đã tạo nên sự bùng nổ trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Bình Dương có mục tiêu, chiến lược rõ ràng trong phát triển; định hướng vào công nghiệp hóa - hiện đại hóa địa phương thông qua việc phát triển các khu công nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đội ngũ lãnh đạo tỉnh có quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hoàn thiện kết cấu hạ tầng để tạo thành mạng lưới kết nối trong nội tỉnh thuận tiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Dương luôn phản ánh quyết tâm này của lãnh đạo địa phương.
Bình Dương có các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề rất đa dạng.
Phát biểu tại hội nghị, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Bình Dương đã biết chắt chiu lợi thế, tận dụng cơ hội, nắm bắt xu hướng phát triển để định vị tỉnh trong sự phát triển chung, mặc dù đứng cạnh "ông lớn" TP HCM, nhưng ngay từ đầu Bình Dương đã có hướng đi khác biệt, từ đó định hình được thương hiệu của tỉnh một cách rõ nét.
Tuy nhiên, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng chỉ ra trong những năm tới, Bình Dương cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tỉnh cần thu hút được những doanh nghiệp lớn, chiến lược, dẫn dắt chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; cơ cấu kinh tế thiên về công nghiệp, trong khi tỉ lệ dịch vụ trên địa bàn tỉnh không thay đổi trong 26 năm, cùng với đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển giai đoạn mới phải thực hiện tốt hơn.
Bình luận (0)