Liên danh tư vấn vừa có báo cáo lần 3 - kỳ cuối lấy ý kiến chuyên gia góp ý đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó, đề xuất làm đường ven sông Sài Gòn kéo dài từ cầu Cần Giờ tới huyện Củ Chi với quy mô tối thiểu 4 làn xe cơ giới, chia làm 6 đoạn.
Phải bổ sung vào quy hoạch
KTS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM), cho hay đơn vị này đã đề xuất ý tưởng làm đường ven sông Sài Gòn để phát triển không gian đô thị dọc sông Sài Gòn.
Theo ông, để hiện thực hóa đường ven sông (bờ hữu) thì cần trải qua nhiều bước, từ quy hoạch đến kế hoạch triển khai. Trước hết, quy hoạch chung thành phố sẽ bổ sung tuyến đường ven sông Sài Gòn. Quá trình điều chỉnh quy hoạch chung thành phố cũng tiến hành song song việc rà soát các quy hoạch phân khu dọc sông Sài Gòn. Đến khi quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được phê duyệt thì mới đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quy hoạch phân khu và tiết kiệm thời gian.
Ông Tuấn cho rằng tuyến đường ven sông được đầu tư xây dựng sẽ tạo cơ hội tiếp cận, khai thác quỹ đất, cải thiện khả năng khai thác giá trị hành lang sông Sài Gòn. Tuy nhiên, lưu ý vấn đề kỹ thuật để bảo đảm kết nối hai bên đường, khu vực bên trong với sông Sài Gòn… Một số khu vực nếu không khả thi như nhiều nhà dân, khó đền bù thì cũng tính phương án làm đường trên cao. Đây là ý tưởng mới nên sắp tới phải có bước làm việc sâu hơn với tư vấn.
"Quy hoạch chung chỉ mang tính định hướng, chưa giải quyết được những bài toán cụ thể. Hồ sơ lần này trình sẽ có tuyến đường ven sông, còn khi nào hình thành tuyến đường thì chưa thể nói được, vì còn tùy thuộc vào các tổ chức thực hiện, nguồn lực" - Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung nói.
Về tiến độ công việc, ông Tuấn cho hay trong tháng này sẽ lấy ý kiến người dân về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM. Đến tháng 2 sẽ trình HĐND TP HCM trước khi trình Bộ Xây dựng. Hồ sơ trình lên còn lấy ý kiến của các bộ, ngành. Nếu nhanh thì trong quý I sẽ được phê duyệt.
Phù hợp và cần thiết
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, đường ven sông Sài Gòn mở ra không gian phát triển mới mang tính đột phá, không gian đô thị dọc sông Sài Gòn. Chủ trương và định hướng thực hiện đường ven sông Sài Gòn là phù hợp và cần thiết.
"Ý tưởng của chúng ta là quy hoạch 1 tuyến đường giao thông chạy dọc sông Sài Gòn, không nhất thiết toàn bộ phải bám mặt tiền sông, tận dụng tối đa hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu đã, đang và sẽ đầu tư; hạn chế ảnh hưởng đến đô thị 2 bờ sông. Mục tiêu là tăng cường khả năng tiếp cận và khai thác tiềm năng, lợi thế của sông Sài Gòn" - lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết.
Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dịch vụ du lịch, đường ven sông sẽ mở ra không gian để phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ để hoàn thiện và phát triển sản phẩm du lịch đường thủy và liên kết khai thác các điểm tham quan ven bờ.
Theo đó, tuyến đường này sẽ tạo trục giao thông mới dọc hành lang Bắc - Nam thành phố, kết nối giao thông khu vực quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi với trung tâm thành phố. Tuyến đường này cũng kết nối các tuyến Vành đai 2, 3, 4, giúp giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Không những kết nối từ khu vực trung tâm thành phố đến Củ Chi, tuyến đường này còn tạo trục giao thông liên kết vùng, kết nối với đường tỉnh ĐT 789 của tỉnh Tây Ninh, với đường ven sông Sài Gòn phía bờ đối diện của tỉnh Bình Dương cũng đã được quy hoạch. Từ đó, tạo điều kiện hình thành các khu đô thị, thương mại, dịch vụ mới; tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, kinh tế ven sông.
Khi hình thành, tuyến đường sẽ giúp khai thác các quỹ đất dọc sông Sài Gòn, giúp tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển. Quá trình thực hiện cần rà soát, nghiên cứu kỹ về quy mô, hướng tuyến, đánh giá đô thị 2 bờ sông để định hình giao thông cho phù hợp như giao thông bộ, giao thông công cộng, đường sắt nhẹ… cũng như xem xét quy mô lộ giới tuyến đường.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho hay quy hoạch đường ven sông Sài Gòn là cần thiết vì đi qua huyện Hóc Môn sẽ giúp giảm áp lực cho Quốc lộ 22.
"Vừa qua, huyện có nhiều góp ý với đơn vị tư vấn về dự thảo làm tuyến đường này trước khi báo cáo kỳ 3. Theo tôi, đường ven sông với bề mặt cắt ngang 4 m, không phải là tuyến đường lớn, mục tiêu chính là giúp phát triển du lịch, khai thác tiềm năng của sông Sài Gòn. Do đó, khi thực hiện cần rà soát, tính toán, điều chỉnh thêm cho phù hợp tình hình thực tế, tránh trường hợp giá đất quanh khu vực bị thổi lên cao" - ông Tuyên nói.
Nhiều kỳ vọng
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết ngành du lịch thành phố luôn xác định phát triển du lịch đường thủy là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030. Mục tiêu đưa du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt. Đến nay, thành phố có trên 47 sản phẩm du lịch đường thủy của hơn 18 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đường thủy. Trong lộ trình phát triển du lịch đường thủy thành sản phẩm tạo sự khác biệt, việc chỉnh trang ven sông Sài Gòn đem lại nhiều kỳ vọng.
Ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội, nhận xét việc quy hoạch đường ven sông Sài Gòn là một ý tưởng hay, vì một trong những giá trị lớn nhất của thành phố là sông Sài Gòn với phần lớn di tích lịch sử văn hóa cảnh quan đều hình thành dọc 2 bên bờ sông. Do vậy, kinh tế ven sông sẽ mở ra không gian phát triển lớn cho thành phố.
"Khi tuyến đường ven sông hình thành sẽ tạo nên nhiều sản phẩm du lịch phong phú. Sản phẩm du lịch đường thủy muốn hoàn chỉnh cần phải kết hợp với các điểm tham quan trải nghiệm trên bờ, đặc biệt khu vực Hóc Môn, Củ Chi còn nhiều tài nguyên du lịch chưa gắn kết khai thác do chưa có tuyến kết nối khi khách đi bằng đường thủy. Ngược lại, khi tuyến đường ven sông hình thành sẽ tạo điều kiện cho các bến tàu ven sông hoạt động, đón khách tham quan du lịch đường thủy" - ông Tường Huy phân tích.
Theo các doanh nghiệp du lịch, khó khăn lớn nhất trong phát triển du lịch đường thủy hiện nay là thiếu bến tàu, thiếu kết nối với các điểm tham quan trên bờ, do thiếu đường giao thông. Đơn cử, tuyến du lịch đường thủy Củ Chi hiện nay chỉ đi từ Bạch Đằng lên Củ Chi, nhiều doanh nghiệp muốn đưa khách du lịch sang Làng sinh thái Trung An để khách tham quan, nhưng mãi gần đây mới có đường để vào. Do đó, theo ông Huy, nếu có tuyến đường ven sông thì tour du lịch đường thủy có thể kết nối liên kết với các điểm tham quan lại với nhau.
Hiện thành phố đang kêu gọi đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, bến, bãi neo đậu tàu; đồng thời sắp xếp, quy hoạch các bến tàu trong sự phát triển quy hoạch chung trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (đơn vị khai thác buýt sông) cho hay ông rất ủng hộ chủ trương làm đường ven sông Sài Gòn kéo dài hết trục sông từ Cần Giờ đến Tây Ninh. Tất cả những con đường mở ra sẽ mang lại sự thuận tiện, tươi mới, tốt đẹp hơn cho người dân, cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng đường ven sông Sài Gòn còn giúp tạo ra không gian văn hóa công cộng, kết nối di tích lịch sử, giúp người dân yêu con sông hơn và chung tay bảo vệ. Khi có đường ven sông, quy hoạch điểm dừng, đón khách trên sông sẽ được cụ thể hóa, kéo theo các loại hình giao thông thủy, du lịch đường thủy phát triển tạo nên những sản phẩm du lịch mới cho thành phố.
TSKH-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:
Phát triển không gian xanh
Đường ven sông là hướng tốt cho phát triển không gian dọc sông Sài Gòn. Nếu làm đường tốc độ cao thì không nên làm sát sông, sẽ tạo rào cản cho người dân tiếp cận sông Sài Gòn mà ít nhất phải cách sông 400- 500 m. Ngược lại, nếu làm đường tốc độ thấp sát sông thì kết hợp với đường chạy xe đạp, đi bộ, giao thông công cộng. Hiện nay, các khu dân cư nằm sát sông cũng có đường giao thông kết nối với nhau nên không nhất thiết phải làm tuyến đường dài sát sông.
Khi có tuyến đường ven sông tất nhiên không thể bỏ qua cơ hội khai thác quỹ đất. Bên cạnh đó, thành phố cần tập trung vào đô thị ven sông vì khi có đô thị ven sông thì trong đó có đường giao thông là một phần của quy hoạch. Trong bối cảnh thiếu cây xanh của thành phố hiện nay thì những quận, huyện trong quá trình đô thị hóa phải dành nhiều đất cho không gian xanh. Trong đó, khu vực ven sông Sài Gòn dành nhiều quỹ đất cho không gian xanh chứ không phải tất cả đều xây dựng đô thị.
Bình luận (0)