Bé gái P.T.L.T. (16 tuổi, quê Phú Yên) bị suy thận mãn, phải chạy thận nhân tạo nhiều năm qua. Bệnh nhi cũng có em trai bị suy thận, gia đình nghèo từ miền Trung vào TP HCM sống lây lất để trị bệnh. Biết chương trình ghép thận từ người hiến chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình đăng ký tìm cơ hội được suất cứu con.
Nhiều bệnh nhi được cứu
Cả hai bé đều đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, người chị phải chạy thận nhân tạo, em trai thì đang điều trị nội khoa. Sau hội chẩn, xét nghiệm bé T. tuyển chọn vào danh sách chờ. Năm 2022, bé được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận nhân tạo định kỳ, sau đó được ghép thận.
Người hiến tạng là một nạn nhân bị tai nạn giao thông chết não. Theo ý nguyện của gia đình, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy hoàn tất các thủ tục pháp lý, lấy tạng xét nghiệm các đánh giá chức năng, chọn người tiếp nhận theo quy trình của hệ thống trên danh sách chờ tại cổng thông tin và bé T. là người phù hợp được ghép.
Trường hợp khác là bé P.B.L. (15 tuổi) bị suy thận mãn, chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trong quá trình điều trị, gia đình đăng ký ghép thận từ người hiến chết não trên cổng thông tin của 3 bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất, Nhi Đồng 2. Nhờ đó, bé L. được cứu với nguồn tạng được Trung tâm Điều phối tạng quốc gia chuyển vào TP HCM.
TS-BSCK2 Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết 2 bệnh nhi trên có được tạng ghép là nhờ kết quả phối hợp giữa 3 bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất và Nhi Đồng 2 với đề tài nghiên cứu: "Đề án thực hiện mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép thận nhân đạo giữa Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nhi Đồng 2" đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM. Đề án này đã xây dựng danh sách bệnh nhân chờ ghép thận và phần mềm sử dụng trong tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn và điều phối tạng hiến. Công trình đem đến tiện ích cho cộng đồng khi tìm hiểu thông tin về hiến và ghép tạng, đồng thời tạo sự công bằng, minh bạch cho người bệnh trong tuyển chọn người được nhận tạng hiến. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, cổng thông tin trên đã có gần 1.000 bệnh nhân đăng ký nhận tạng, trong đó 10 trường hợp được tuyển chọn để ghép.
Đăng ký hiến tạng ngày càng nhiều
Theo thống kê, hiện danh sách hiến tạng đã là hơn 44.600 người đăng ký. Trong giai đoạn đầu thử nghiệm (2020-2022), số người tiếp cận tăng rất nhanh sau đó. Số người đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời tăng lên gấp 3 lần so với 3 năm trước đó. Số người đăng ký chờ ghép thận cũng đã tăng lên gấp 1,75 lần so với trước.
Do đề án đang trong giai đoạn đầu nên cổng thông tin về hiến ghép tạng này chỉ có một số bệnh nhân tự tìm hiểu hoặc có người quen giới thiệu mới đăng. Trong thời gian tới, nếu có sự phối hợp và giới thiệu, cập nhật, kết nối danh sách những người bệnh có chỉ định ghép từ các cơ sở đơn vị khác thì khả năng sẽ cao hơn. Ở nước ta hiện nay, số bệnh nhân bị suy thận, suy tim, suy gan chờ nguồn tạng ghép khoảng hàng chục ngàn người.
Theo BS Thu, ưu điểm cho người bệnh khi đăng ký vào danh sách chờ ghép là được đánh giá sức khỏe toàn diện, phát hiện sớm các bệnh mới xuất hiện trong quá trình lọc máu; điều trị các bệnh lý nền kèm theo (huyết áp, thiếu máu, đái tháo đường, thoái hóa xương khớp); được bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi bệnh tại nhà. Các thông tin cần thiết cho yêu cầu tuyển chọn để tiếp nhận thận hiến: Nhóm máu, HLA, kháng thể đặc hiệu kháng HLA, viêm gan siêu vi B, C, đái tháo đường, ngày lọc máu, ngày đăng ký, chiều cao, cân nặng, tuổi, địa phương cư trú.
Tất cả các thông tin này sẽ được hệ thống quy đổi ra thành điểm số. Điểm sẽ được xếp theo hướng ưu tiên tuyển chọn từ điểm số cao nhất cho đến thấp nhất. Tất cả đều được tự động hóa, minh bạch và hạn chế rủi ro, nguy cơ cho người nhận cũng như tránh được sự can thiệp ngoài chuyên môn của bất kỳ ai. Đây là ưu điểm của hệ thống để bảo đảm tính minh bạch và công bằng của việc tuyển chọn người nhận tạng hiến để ghép.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số người hiến tạng mỗi năm vẫn còn rất ít so với nhu cầu nhưng không phải nguồn tạng nào cũng phù hợp với người nhận. "Chúng tôi đang nỗ lực truyền thông rộng rãi tới cộng đồng. Đồng thời, cũng tiến hành thêm một số giải pháp cải tiến để người dân (người hiến tạng và người nhận) thuận tiện và dễ dàng truy cập, tham gia nhiều hơn" - BS Thu nhấn mạnh.
Tháo gỡ khó khăn
Theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Việt Nam đã thực hiện thành công các ca ghép tạng, trong đó có ghép thận từ người cho chết não và đang đẩy mạnh số người đăng ký hiến ghép tạng sau khi qua đời. Bộ Y tế đã phê duyệt 23 cơ sở y tế ghép tạng, cả tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Việt Nam đã triển khai hiệu quả các kỹ thuật trong ghép tạng với kết quả đã ghép được 6 bộ phận cơ thể người, gồm: Thận, gan, phổi, tim, tụy, chi thể.
Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn như nguồn tạng hiến, chi phí ghép và điều trị dài ngày sau đó cho bệnh nhân… Những khó khăn đó, Bộ Y tế đã ghi nhận để tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới. Hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác theo hướng sửa đổi một số nội dung thuận lợi hơn cho vận động hiến tạng.
Ngọc Dung
Bình luận (0)