1. Quá tập trung vào phần cứng hoặc phần mềm
Thiết kế của Galaxy S6 Edge thực sự là một kỳ công, rất đẹp… nhưng màn hình cong ở cạnh thực sự không mang lại nhiều ý nghĩa trong trải nghiệm người dùng. Trong khi đó, thiết kế cong mặt sau của G Flex 2 mang lại cảm giác tuyệt vời khi cầm trong tay… nhưng hiệu năng máy lại thua các đối thủ. Còn bộ công cụ chỉnh sửa ảnh của One M9 có rất nhiều chức năng thú vị, song lại khiến camera dường như quá tải. Dù phần mềm không hợp với chất lượng phần cứng hay ngược lại, các nhà sản xuất cũng luôn nỗ lực hết sức để đưa trải nghiệm trên mẫu smartphone chủ lực của họ trở nên thật sự tuyệt vời, bất chấp mọi chi phí.
Hai trong số những smartphone nổi bật nhất trên thị trường là iPhone 6 và Galaxy S6, một phần cũng vì hai smartphone này đã dung hòa được cả phần cứng và phần mềm. Thiết kế vật lý của cả hai sản phẩm đều khá đẹp – và dù có thể không phải là những nền tảng được yêu thích, song iOS và giao diện Touchwiz (Android) chính xác là những gì mà người tiêu dùng bình thường muốn có trên điện thoại của họ: chúng quen thuộc và mạnh mẽ, không quá phức tạp.
2. Sản xuất phần cứng quá mong manh
Từ Galaxy S6 đến iPhone 6 hay đến One M9, chúng ta có thể thấy một điều rất rõ ràng là: điện thoại bằng kính và kim loại đã trở thành trào lưu. Chúng trông rất đẹp, mang lại cảm giác thật tuyệt vời khi cầm, và chúng "có vẻ" đẳng cấp hơn nhiều so với điện thoại vỏ nhựa. Điều cuối cùng đặc biệt quan trọng vì nó khiến mọi người cảm thấy như họ thực sự nhận được chiếc smartphone xứng đáng với số tiền bỏ ra.
Tuy nhiên, những chất liệu "sang trọng" này lại rất dễ vỡ và dễ hư hỏng. Ngoại trừ kính cường lực Gorilla Glass và sapphire, thì các chất liệu kính thường rất dễ xước, dễ vỡ. Nói về xước hay vỡ, nó không chỉ làm mất tính thẩm mỹ, mà còn rất nguy hiểm cho người dùng. Trong một quảng cáo của hãng T-Mobile, toàn bộ căn hộ của nhân vật đã bị phủ đầy những dấu vân tay dính máu, do cố tình sử dụng điện thoại có màn hình bị vỡ.
Còn chất liệu nhôm của điện thoại khi bị hỏng ít gây tổn thương cho người dùng hơn kính, nhưng nó cũng gây không ít khó chịu, và hầu như là người dùng không thể tự thay thế. Nghĩa là, họ bị mắc kẹt trong những hỏng hóc mà chính họ gây ra.
3. Sợ sáng tạo
Có ai nhớ thời điểm những chiếc smartphone đầu tiên chuyển đổi từ màn hình cảm ứng điện trở của máy hỗ trợ cá nhân PDA với thứ ánh sáng mờ mờ, bút kim và bàn phím vật lý, sang những mẫu điện thoại dạng thanh kẹo có màn hình cảm ứng điện dung? Từ khi nào mọi người luôn cố tìm ra hình dạng smartphone hoàn hảo? Nhưng, thực tế là họ không hề làm thế - chúng ta đã bỏ qua giai đoạn thử nghiệm. Tất nhiên, vẫn có những ngoại lệ như G Flex và Samsung Edge, hay thậm chí cả Sharp Aquos Crystal (mẫu smartphone có viền siêu mỏng và ứng dụng nhiều công nghệ mới lạ), song phải nói rằng chúng ta đã trở nên cầu toàn và kém phiêu lưu hơn trước nhiều, một phần do họ lo sợ đánh mất thị phần và doanh số.
Điều gì xảy ra với chiếc điện thoại biến thành laptop? Hay với chiếc điện thoại có màn hình nhỏ phụ? Hay với chiếc điện thoại có một màn hình gập để tăng không gian và giảm thiểu kích thước? Và dễ hiểu hơn, là với những mẫu điện thoại có bàn phím vật lý và hiện nay thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Chắc chắn, tất cả chúng không phải đều là những ý tưởng hay, nhưng tại sao smartphone ngày nay lại trì trệ đến thế, kém sáng tạo đến thế, và các nhà sản xuất lại sợ phải nghĩ, phải sáng tạo, phải làm khác đến thế? Hay chúng ta vẫn đang có những sáng tạo, chỉ là theo cách tinh tế hơn, nhỏ nhặt hơn?
4. Kẹt cứng trong cuộc đua cấu hình phần cứng
Có một câu nói đại ý rằng, những linh kiện bên trong một chiếc smartphone có thể mang lại nhiều kết quả hiệu năng khác nhau khi thiết bị được tùy biến phần mềm khác nhau, vì thế các nhà sản xuất hãy ngừng việc quá tập trung vào các đặc tả công nghệ phần cứng đi.
Chẳng hạn, vi xử lý i5 lõi kép và card đồ họa tích hợp trong chiếc MacBook Air có vẻ thật nực cười với một người dùng Windows, nhưng nhờ có sự tùy biến phần cứng-phần mềm của Apple, MacBook Air xử lý tốt bất cứ nhiệm vụ nào – thậm chí là chỉnh sửa video (tất nhiên phải thừa nhận lợi thế của Apple là ít phân mảnh, do phần mềm của họ chỉ chạy trên một dòng thiết bị riêng của chính hãng sản xuất). Tương tự, người dùng Android liên tục so sánh, bình luận về những đặc điểm rất nhỏ trên iPhone với các thiết bị Android hàng đầu, nhưng iPhone vẫn được xem là một trong những điện thoại hoạt động mượt nhất.
Nghe có vẻ như quảng cáo cho Apple, song thực tế là Apple đã tối ưu hóa rất nhuần nhuyễn phần cứng và phần mềm. Windows Phone cũng tương tự như vậy, do ít phân mảnh tương tự như Apple nên phần mềm của họ hoạt động cực mượt mà trên những thiết bị Windows Phone giá rẻ nhất, cấp thấp nhất.
Lạc giữa ma trận smartphone vì ít sản phẩm thực sự khác biệt
Tại sao các thiết bị Android lại cần đến 8 lõi để có thể chạy mượt như những thiết bị khác? Bởi vì các nhà sản xuất thiết bị Android đã lao vào cuộc đua cấu hình quá lâu (và một phần Android quá phân mảnh do phải chạy trên nhiều nền tảng phần cứng khác nhau, các mẫu máy khác nhau của nhiều hãng khác nhau). Nếu không phải là "tôi là nhất" hay "tôi là đầu tiên", thì nó cũng phải là "tôi cũng thế".
Tất nhiên, khi phần mềm tiến hóa và trở nên phức tạp hơn, nó sẽ cần đến các linh kiện phần cứng tốt hơn để mọi thứ chạy mượt mà, nhưng điều đáng nói là rất khó tìm ra bất kỳ sự khác biệt nào giữa một chiếc điện thoại lõi tứ và lõi tám. Vậy tại sao các nhà sản xuất Android lại cảm thấy bắt buộc phải lao theo cuộc chiến sát nút với đối thủ trong mỗi lần ra mắt sản phẩm mới? Tất nhiên, sẽ thật tuyệt vời khi sở hữu tất cả sức mạnh này, nhưng tại sao lại không bỏ qua cuộc đua ngớ ngẩn này để có được một sản phẩm siêu cao cấp, bán ra với mức giá phải chăng hơn mà không cần đến những lời rao ồn ào về RAM, về vi xử lý…?
Bình luận (0)