Nhắm mắt làm ngơ (!?)
Bây giờ, khó mà thuyết phục được người dân về chuyện mỗi người chỉ được sở hữu tối đa 3 số điện thoại di động mỗi mạng như quy định tại Thông tư 22/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông (hiệu lực từ ngày 10/8/2009). Ra bất cứ tuyến phố nào của Hà Nội. TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... người ta cũng có thể bắt gặp những tấm bảng hiệu quảng cáo không giấu diếm các loại SIM khuyến mại tài khoản "cực sốc". Nào là "SIM Viettel 42 tài khoản 115", tức là bỏ 50.000 đồng mua SIM khách hàng sẽ có 115.000 đồng trong tài khoản. Nào là "SIM Mobi 45 tài khoản 115"; "SIM Vina 62 tài khoản 208.000 đồng"; "SIM Vietnammobile 40 tài khoản 200"...
Khó nói rằng cơ quan quản lý không biết tình trạng này. Bởi, tất cả các biển hiệu quảng cáo này đều công khai khắp nơi. Đặc biệt, như tuyến phố Kim Mã (đoạn từ Bến xe Kim Mã đến khu ngoại giao đoàn), đường Đê La Thành, phố Bạch Mai (Hà Nội) có rất nhiều đại lý SIM thẻ lớn. Các đại lý SIM thẻ ở đây hoạt động từ trước khi có Thông tư 22/2009. Khi Thông tư ra đời, có người cho rằng tuyến phố này sẽ bị dẹp nhưng khi PV Báo GĐ&XH tiếp cận các chủ tiệm ở đây, họ chỉ lắc đầu cười nói "Nếu cấm thì chúng tôi dừng".
Hành vi bán SIM kích hoạt sẵn bị cấm từ 10/8/2009. Cụ thể, tại Khoản 4, Điều 5, Thông tư 22 quy định hành vi "Lưu thông trên thị trường những SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước" là 1 trong 5 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước. Tuy nhiên đến giờ, sau hơn 2 năm lệnh cấm có hiệu lực, các đại lý này vẫn hoạt động, công khai bày bán. Dường như lệnh cấm đến nay vẫn chỉ dừng lại ở trên giấy.
Pháp luật đâu phải để "đùa"!
Nghị định 50/2009 của Chính phủ, có hiệu lực từ 15/7/2009 quy định, hành vi "Bán SIM thuê bao di động trả trước hoặc thiết bị đầu cuối di động trả trước (loại không dùng SIM) đã được đăng ký thông tin thuê bao của người khác" sẽ chịu mức phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng.
Thông tư 22/2009 ra đời với một mục đích rất rõ ràng. Nó được ghi ngay tại Điều 1 Thông tư "nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên viễn thông, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông Việt Nam và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông".
Quy định này ra đời trong bối cảnh khi đó, các mạng đua nhau phát triển thuê bao mới, dẫn tới tình trạng thuê bao ảo, gây lãng phí tài nguyên số, trong khi người dùng di động lại phải hứng chịu nạn quấy rối điện thoại. Quy định các chủ thuê bao trả trước đăng ký dịch vụ sẽ phải xuất trình chứng minh thư hoặc hộ chiếu của mình mới có thể được đăng ký tối đa 3 sim điện thoại tại mỗi mạng di động được cho là để hạn chế tình trạng này. Thế nhưng, đến nay quy định này dường như chỉ có tác dụng với các chủ thuê bao sử dụng lâu năm, nó hoàn toàn bất lực với các thuê bao mới.
Tình trạng bày bán công khai SIM kích hoạt sẵn không chỉ ở các đại lý lớn, mà nó len lỏi khắp vỉa hè, ngõ phố. Mức độ phổ biến này là tỷ lệ nghịch với mức độ thực thi pháp luật. Trong khi pháp luật về quản lý thuê bao trả trước chưa được thực thi đầy đủ thì việc gần đây các mạng viễn thông lại bắt đầu manh nha kêu đòi kéo dài thêm số thuê bao lên 11 con số, sẽ chỉ là một cách để gia tăng thêm sự lãng phí tài nguyên số quốc gia.
Nghị định 50/2009 của Chính phủ, có hiệu lực từ 15/7/2009 quy định, hành vi "Bán SIM thuê bao di động trả trước hoặc thiết bị đầu cuối di động trả trước (loại không dùng SIM) đã được đăng ký thông tin thuê bao của người khác" sẽ chịu mức phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng. |
Bình luận (0)