Trong một dịp tới thăm chùa Quán Sứ, gặp các vị cao tăng, Người khẳng định: "Nhà nước chúng tôi luôn luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng. Phật giáo Việt Nam với dân tộc như bóng với hình, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, tăng ni và Phật tử, hãy tích cực thực hiện tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước".
Ở Việt Nam, đồng bào thuộc các tôn giáo luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, góp công lao to lớn vào công cuộc chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, là điểm tựa vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực tế là vậy, nhưng các thế lực phản động vẫn tìm mọi cách chống phá, nhằm lung lạc đức tin, tín ngưỡng, chia rẽ nội bộ các tôn giáo, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân, gây mất ổn định chính trị, mục đích cuối cùng là chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Nổi lên thời gian qua là việc lợi dụng hiện tượng một số ít người, trong đó có cả một số tu sĩ có những hành động sai trái, thuyết pháp thiếu chuẩn mực hoặc tổ chức hình thức lễ lạt không đúng... để chúng kích động, "vơ đũa cả nắm", "mượn gió bẻ măng", công kích các tăng ni, Phật tử, chùa chiền, thậm chí lăng mạ, tạo dư luận xấu. Đó là những hành vi hết sức cực đoan, phiến diện về các giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo.
Bảo vệ các giá trị văn hóa của các tôn giáo chân chính cũng là bảo vệ giá trị văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn, đạo Phật đề cao đức từ bi, dạy con người hướng thiện, không ban phúc hay giáng họa cho ai; mỗi người có thể tự thay đổi cuộc đời mình, hun đúc tri thức để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, tự mình thắp lên ngọn đèn trí tuệ cho chính mình.
Đó là những tư tưởng tiến bộ, nhân văn, thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và tinh thần, lý trí và tình cảm, triết thuyết và tín ngưỡng trong mỗi con người và xã hội, nhờ đó mà các tôn giáo chân chính mới có sức sống mãnh liệt, tồn tại và phát triển trong lòng dân tộc. Bất cứ âm mưu nào tấn công vào các tôn giáo chân chính là đều động chạm đến văn hóa dân tộc và nhất định sẽ thất bại.
Sách trắng "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam" năm 2023 nêu rõ: Ở Việt Nam có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo.
Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định chính sách nhất quán bảo đảm, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của Nhân dân, coi đó là động lực để xây dựng và phát triển đất nước, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, làm cho đời sống Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Trong xây dựng Đảng, vai trò của đảng viên rất lớn trong việc tuyên truyền, định hướng dư luận. Lấy ví dụ vừa qua các thế lực thù địch xuyên tạc rất nhiều về chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, qua đó để gián tiếp chống phá Đảng ta. Nếu mỗi đảng viên đều nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền thì các âm mưu chống phá sẽ bị đập tan.
Bình luận (0)