Theo kế hoạch của UBND TP HCM, từ 13 giờ ngày 25-7, người dân bắt đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, theo ghi nhận, từ sáng sớm đã có nhiều người dân tranh thủ công việc đến Hội trường Thống Nhất để chờ vào viếng.
Được biết, đến 17 giờ cùng ngày đã có 539 đoàn và 19.748 người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn sâu sắc
Cùng vợ bắt xe ôm từ quận 12 đến Hội trường Thống Nhất từ rất sớm, ông Nguyễn Tống Đôn (79 tuổi) chia sẻ quê hương ông ở Hà Tĩnh, ông là cựu chiến binh của Sư đoàn 341 - Quân đoàn 4.
"Sau khi đất nước thống nhất, tôi vào TP HCM sinh sống. Được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, tôi cảm thấy lòng mình nặng trĩu. Hôm nay tôi tranh thủ thời gian đến thắp hương và tưởng niệm Tổng Bí thư, ông là người bình dị, luôn gần gũi với nhân dân, vì nhân dân, vì đất nước. Tuy tuổi tôi đã cao, sức yếu nhưng tôi hứa sẽ luôn làm tốt trách nhiệm của một cựu chiến binh" - ông Đôn xúc động.
Tại Hội trường Thống Nhất hôm nay, có thể dễ dàng nhận thấy từ học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên đến những người cao tuổi, người dân ở các tỉnh phía Nam đều một lòng hướng về Tổng Bí thư với sự kính trọng và tiếc thương vô hạn.
Người dân bày tỏ tình cảm và sự tiếc thương đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Em Huỳnh Anh Thư (học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp) - Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM - chia sẻ: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người thầy, người bác kính yêu của thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Mặc dù em chưa có vinh hạnh được gặp bác nhưng qua báo chí, tin tức thời sự, những bài phát biểu của bác giúp em nhận thức sâu sắc về phẩm chất đạo đức cao đẹp, sự cống hiến hết mình vì nước, vì dân của bác Tổng Bí thư.
"Em nhớ rất rõ bức thư bác gửi cho các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu, những lời khen ngợi, dặn dò của bác như kim chỉ nam dẫn đường cho chúng em bước tiếp và phấn đấu.
Em hứa sẽ cố gắng học tập, hoàn thiện và phát triển bản thân để mai sau góp phần phát triển đất nước" - Anh Thư bày tỏ.
Cùng chồng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, bà Đoàn Bích Phượng (57 tuổi, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết hôm qua lên TP HCM để tái khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khi nghe tin thành phố tổ chức Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hội trường Thống Nhất, vợ chồng bà đón xe đến và được hướng dẫn vào viếng.
"Chúng tôi rất buồn khi bác Nguyễn Phú Trọng ra đi. Bác là người có đức, có tài, sống hết mình vì nước, vì dân" - bà Phượng nói.
Đội mưa viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Từ hơn 12 giờ cùng ngày, dù TP HCM đang mưa to nhưng dòng người vẫn kiên nhẫn xếp hàng đợi đến lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn.
Từ đầu giờ chiều đã có rất đông người dân đến chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cùng bạn đến viếng Tổng Bí thư từ 13 giờ, đến gần 16 giờ, bà Nguyễn Thị Phương (47 tuổi) vẫn lưu luyến không muốn rời đi.
"Đối với tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo vĩ đại, những quyết sách, đường lối của bác luôn vì nhân dân, đất nước.
Là một người dân Việt Nam, tôi đã rất buồn và xúc động khi nghe tin người Tổng Bí thư mà dân yêu, dân quý đã ra đi. Chắc chắn ai ai cũng mong được đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giờ đã về chiều, trời mưa nhưng dòng người xếp hàng đến viếng bác vẫn còn nối dài. Chúng tôi mong đến viếng bác để bày tỏ lòng mình với một người đảng viên đức độ" - bà Phương nghẹn ngào.
Bạn đọc Báo Người Lao Động có thể viết sổ tang điện tử để bày tỏ tình cảm dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại đây: https://nld.com.vn/so-tang-dien-tu.htm
Bình luận (0)