Ngày 15-12, tại TP HCM, Công ty CP hàng tiêu dùng Phúc Sinh (Phúc Sinh Consumer, thuộc Công ty CP Phúc Sinh) tổ chức ra mắt sản phẩm trà túi lọc Cascara Blue Sơn La sau 4 năm thử nghiệm.
Trà Cascara được làm từ vỏ cà phê arabica chín mọng, thu hái và chế biến tươi ngay trong ngày. Hiện Sơn La có 20.000 ha cà phê arabica, lớn nhất cả nước trong khi vùng trồng arabica Lâm Đồng đang bị thu hẹp do bị cạnh tranh cây trồng khác và du lịch.
Loại trà này đã được các nước Nam Mỹ, nơi có vùng trồng cà phê arabica đặc sản lớn trên thế giới sản xuất hơn 50 năm qua nhưng còn mới mẻ tại Việt Nam.
Ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh Sơn La, thông tin vỏ cà phê arabica Sơn La có độ ngọt (brix) trung bình 23%, cá biệt có vườn lên đến 26%, rất thích hợp để làm trà Cascara. Cũng chính vì đặc tính này mà khi vỏ cà phê Arabica Sơn La rất dễ lên men, gây mùi chua, gây khó khăn trong xử lý môi trường khi chỉ sử dụng nhân cà phê, bỏ vỏ như trước đây. Nếu không bỏ đi, vỏ cà phê chủ yếu dùng làm chất đốt, phân bón với giá trị rất thấp.
Hiện nhà máy chọn các vườn cà phê liên kết, hướng dẫn sản xuất theo quy trình và thu mua cà phê hái chín với giá cao hơn thị trường hơn 30%. Cụ thể, với cà phê tươi hiện có giá 12.000 đồng/kg, nhà máy thu mua 16.000 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi tham gia vào vùng nguyên liệu của Phúc Sinh Sơn La.
Cũng theo ông Thắng, mùa thu hoạch cà phê 5 tháng nhưng thời điểm để cà phê chín mọng, dùng vỏ chế biến trà Cascara chỉ trong thời gian từ 45-60 ngày, tổng sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn thành phẩm trà Cascara/năm.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, thông tin thêm công ty đã thử nghiệm sản phẩm trà Cascara từ vùng nguyên liệu cà phê arabica Sơn La được 4 năm và được thị trường châu Âu, Trung Đông yêu thích. Có đến 90% sản phẩm được xuất khẩu, giá bán lên đến 30 USD/kg (loại đóng gói 5 kg/túi) trong khi hạt cà phê bán 4-5 USD/kg không hề dễ.
Tại thị trường trong nước, trà Cascara có giá bán gần 1,5 triệu đồng/kg, cao gần gấp đôi so với sản phẩm từ hạt cà phê loại cao cấp nhất.
"Sau chuyến chào hàng tại châu Âu, khách đặt hàng nhiều, chúng tôi không đủ cung cấp nên quyết định đầu tư dây chuyền chế biến trà cascara tại Mai Sơn (Sơn La) theo công nghệ của Colombia, công suất gấp 100 lần phương thức sản xuất thủ công trước đó. Nhà máy có thêm sản phẩm trà Cascara túi lọc và bao bì được đầu tư đẹp hơn.
Việc sản xuất với quy mô công nghiệp giúp ổn định nguồn cung, hạ giá thành xuống từ 40-50% để tiếp cận thị trường dễ hơn" – ông Thông nói.
Bình luận (0)