Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn mít Thái trồng xen sầu riêng của nhà mình ở thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), anh Nguyễn Hữu Tấn chia sẻ rằng khu vườn của anh rộng trên 3ha, sầu riêng một vài năm nữa mới để trái, còn mít thì đã cho trái được mấy năm nay.
"Trung bình mỗi đợt, tôi thu hoạch được khoảng 6-10 tấn, thu về từ 200 đến hơn 300 triệu đồng. Tuy hiệu quả kinh tế chưa phải đứng tốp đầu so với một số nhà vườn ở địa phương, song đây quả là nguồn thu mơ ước của nhiều bà con nông dân" – anh Tấn phấn khởi nói.
Mít Thái là loại cây dễ trồng, cho trái từ sau khoảng 12-15 tháng trồng và cho trái gần như quanh năm. Từ khi cây ra hoa, kết trái đến khi trái chín, thời gian khoảng 4 tháng rưỡi.
Để cây có thời gian phục hồi sau khi cho trái, nhà vườn chỉ để trái mỗi năm 2 đợt. Năm nay, giá mít Thái dao động từ 34.000-40.000 đồng/kg. Tuy không bằng mọi năm, nhưng mức giá này cũng đủ giúp nhiều nhà vườn như anh Tấn cảm thấy rất hài lòng.
Điều khiến chúng tôi hết sức bất ngờ là không chỉ sở hữu một khu vườn mít xanh tốt, mà gia đình anh Tấn hiện đang có đến 6 khu vườn mít, với tổng diện tích lên đến 12ha, mỗi năm cho sản lượng trên 200 tấn, tổng thu gần 7 tỉ đồng.
Anh Tấn, thông tin: "Trước đây tôi chỉ có 4-5 công đất vườn do cha mẹ cho ngày lập gia đình, ra ở riêng. Lúc đầu, tôi chuyên canh cây cam sành. Khi cây cam không còn cho hiệu quả kinh tế cao, tôi chuyển qua cây mít Thái. Nhờ có nguồn vốn vay từ Ngân hàng Agribank, nên việc chuyển dịch cây trồng của gia đình tôi khá thuận lợi".
Mấy năm nay, cây mít cho thu nhập khá, nên vợ chồng anh Tấn tích lũy được một ít, rồi vay thêm vốn, mua thêm đất vườn từ những hộ lân cận. Cứ tích tiểu thành đại, qua nhiều năm, đến nay diện tích vườn của anh Tấn đã mở rộng, lên đến 12ha.
Những ngày đầu mới khởi nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu quê hương, yêu nghề nông, vợ chồng anh Tấn kiên quyết bám đất, bám quê.
Điều đáng quý ở người nông dân này là anh luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, kể cả học kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt từ mạng xã hội. Nhờ vậy mà vườn cây của gia đình luôn được chăm sóc tốt và phát triển thuận lợi.
Bên cạnh làm vườn, anh Tấn còn mở vựa thu mua mít cho các nhà vườn địa phương. Theo anh Tấn, việc mở vựa thu gom mít giúp anh tiếp cận trực tiếp với đầu mối thu mua nên không bị tình trạnh ép giá và có thêm thu nhập.
Hiện nay, 6 khu vườn mít và vựa mít của gia đình anh giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động.
Không chỉ tập trung vào cây mít, vợ chồng anh Tấn còn kinh doanh thêm dịch vụ ăn uống để đa dạng nguồn thu nhập.
Anh Tấn cho biết anh mở quán ăn để ủng hộ vợ phát triển niềm đam mê nấu ăn từ thời trẻ. Ban đầu, 2 vợ chồng chỉ nhận đặt nấu tiệc theo yêu cầu của bà con, người quen gần nhà, rồi dần dần mở rộng thành mô hình kinh doanh quán ăn gia đình.
Kinh doanh quán ăn không chỉ giúp gia đình anh Tấn có thêm nguồn thu nhập thường xuyên mà còn giúp thêm hàng chục gia đình có việc làm tại chỗ, có điều kiện ổn định cuộc sống, tuy ly nông nhưng không ly hương.
Đặc biệt, kể lại quá trình làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, anh Tấn không quên chia sẻ về nguồn lực, nguồn động viên to lớn đã giúp anh mạnh dạn hoạch định và triển khai kế hoạch làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, đó là nguồn vốn của Agribank.
Anh Nguyễn Hữu Tấn, nói: "Tôi vay vốn từ Agribank đã được 14, 15 năm. Thủ tục vay dễ dàng, khi thanh toán khoản vay hay khi có tiền gửi lại ngân hàng tôi luôn được nhân viên ngân hàng hỗ trợ nhanh chóng.
Các điều kiện về cho vay, thanh toán của ngân hàng phù hợp với yêu cầu vay vốn, quay vòng vốn, nên tôi vẫn tiếp tục giữ quan hệ tín dụng với ngân hàng Agribank suốt nhiều năm qua".
Nhờ có nguồn vốn đầy đủ và kịp thời của Agribank, không chỉ riêng gia đình anh Tấn mà còn có rất nhiều nông hộ có thêm nguồn lực vững chắc để đầu tư, phát triển sản xuất và làm giàu chính đáng trên quê hương mình.
Theo số liệu thống kê của Agribank Chi nhánh huyện Châu Thành, tính đến cuối tháng 2-2024, tổng dư nợ của chi nhánh đạt gần 2.200 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 84%.
Những năm qua, huyện Châu Thành được quan tâm đầu tư để trở thành trung tâm đô thị - công nghiệp của tỉnh Hậu Giang.
Cùng với việc đầu tư nguồn vốn hỗ trợ địa phương thực hiện chiến lược phát triển huyện nhà, Agribank còn ưu tiên dành nguồn vốn để đầu tư phát triển nông nghiệp- nông thôn.
Những nguồn lực quan trọng này đã và đang góp phần tạo thêm sức bật mới, giúp Châu Thành phát triển nhanh và cân bằng hơn, xứng tầm là huyện "cửa ngõ", một vùng đất đang ghi dấu nhiều cột mốc đáng nể trên bước đường xây dựng và phát triển quê hương Hậu Giang.
Bình luận (0)