Nghiên cứu mới từ Đại học Ehime (Nhật Bản) đã phơi bày cấu trúc bên trong của Mặt Trăng, vệ tinh tự nhiên chính thức duy nhất của Trái Đất, và đưa ra những kết luận bất ngờ.
Bằng các thí nghiệm áp suất cao, họ kết luận rằng sự hiện diện của garnet là câu trả lời hợp lý nhất để giải thích dữ liệu địa chấn bất thường quan sát được ở độ sâu 740-1260 km dưới bề mặt Mặt Trăng, cho thấy vai trò quan trọng của nó trong cấu trúc và động lực của thiên thể.
Garnet được người Việt Nam gọi bằng một cái tên rất đẹp khác là ngọc hồng lựu, là một loại đá quý rất được ưa thích trong lĩnh vực chế tác trang sức, đồ mỹ nghệ.
Theo SciTech Daily, các nhà khoa học đã sử dụng một số mẫu vật từ Mặt Trăng cũng như dữ liệu địa chấn mà các tàu vũ trụ hoạt động trên thiên thể này từng ghi nhận.
Từ đó, họ lập một mô phỏng về các điều kiện nội tại của Mặt Trăng.
Quá trình này cho thấy sâu bên trong mặt trăng, ở phía dưới của lớp phủ, tức phần gần ranh giới với lõi thiên thể, là một lớp vật liệu giàu ngọc hồng lựu.
Những kết quả này cung cấp nhiều chi tiết giúp giải thích cách Mặt Trăng đã hình thành và thay đổi qua thời gian 4,5 tỉ năm, kể từ khi kết tụ lại từ mảnh vỡ của Trái Đất nguyên thủy và hành tinh Theia từng lao vào Trái Đất.
Phát hiện này cũng một lần nữa chứng minh sự tương đồng về vật chất giữa vệ tinh này và địa cầu, khẳng định thêm giả thuyết rằng cả hai đều hình thành từ những phần vỡ nát của Trái Đất nguyên thủy và Theia sau va chạm.
Bởi lẽ, ngọc hồng lựu cũng được tìm thấy nhiều trên Trái Đất, cũng nằm sâu trong lớp phủ.
Chúng ta có được các món trang sức từ loại đá quý này là nhờ hoạt động kiến tạo mãnh liệt và núi lửa đôi khi khiến vật liệu sâu trào lên mặt đất, như ngọc hồng lựu, hồng ngọc hay kim cương.
Tuy vậy, cả hai vẫn có khác biệt cơ bản bởi Trái Đất về là một khối cầu vững chắc sau va chạm, chỉ được bổ sung thêm một ít vật liệu từ Theia.
Trong khi đó, Mặt Trăng chỉ hình thành sau đó, khi các mảnh vỡ từ hai hành tinh quay quanh quỹ đạo Trái Đất một thời gian và kết tụ lại.
Bình luận (0)